Thiệt hại hàng chục tỷ vì ngao chết hàng loạt
Hàng trăm hecta nuôi ngao ven biển các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc... (Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Nhìn đồng ngao đến kỳ thu hoạch nhưng chết trắng bãi, há hốc miệng, bốc mùi hôi thối, bà Trần Thị Hiền (thôn Thanh, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) than thở: “Ngao nuôi trên vùng triều của bà con nông dân trong xã chết hàng loạt từ nhiều tuần qua là do ô nhiễm nguồn nước ở bãi nuôi ngao, nước thải ra từ bến cá Quảng Nham. Hiện nay vào mùa thu hoạch sứa biển, sứa trôi nổi dạt vào vùng triều rồi chết, gây ô nhiễm nguồn nước cũng làm ngao chết. Gần 40% số ngao nuôi trên diện tích 1ha của gia đình tôi đã chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Ngao thương phẩm chết trắng bãi ở vùng triều xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) |
Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương có hơn 30 hộ nuôi ngao. Hộ nuôi ít dưới 1ha, hộ nuôi nhiều từ 2-3ha. Đến nay, trên nhiều diện tích nuôi ngao của các hộ dân ở đây, ngao thương phẩm chết tới 60%. Trong khi đó, mỗi hecta nuôi ngao bà con nông dân phải đầu tư 450-500 triệu đồng tiền mua con giống, công chăm nuôi.
Ông Lê Văn Thuần (thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết, ngao chết hàng loạt tại vùng triều Hậu Lộc từ nhiều tuần nay. “Gia đình tôi có 7ha ngao nuôi nhưng hàng chục tấn ngao thương phẩm đến kỳ thu hoạch đã chết, thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Chưa năm nào người nuôi ngao ở Hậu Lộc gặp khó khăn như năm nay nhưng đến nay. Nhưng Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ” - ông Thuần nói.
Theo ông Thuần, ngao chết là do nguồn nước ô nhiễm từ sông Kênh De đổ xuống vùng bãi nuôi ngao. Hiện hai bên bờ sông Kênh De có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chiều 8/5, ông Nguyễn Văn Hoằng, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Hậu Lộc cho biết, sau khi nhận thông tin từ người dân về tình trạng ngao chết hàng loạt, lãnh đạo huyện đã cử cán bộ Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về các xã Hải Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân khiến ngao chết.
Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện xác định ngao chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường ở các xã ven biển khi người ta đổ rác thải các loại xuống biển. Bên cạnh đó, tại vùng triều nuôi ngao còn nhiễm khí sulfurhydro và amoniac quá mức cho phép. Ngoài ra, do bà con nông dân thả nuôi ngao giống với mật độ quá dày khiến ngao khi sinh trưởng bị hạn chế nguồn thức ăn, môi trường sống...
Về ý kiến người dân cho rằng nguồn nước sông Kênh De ô nhiễm khiến ngao chết, ông Hoằng nói: “Các năm trước đây nguồn nước thải từ các trang trại nuôi gia súc ở xã Minh Lộc xả xuống sông Kênh De gây ô nhiễm môi trường nước nên năm 2012 huyện đã xử phạt, đình chỉ nhiều trang trại chăn nuôi gia súc tại xã này. Đến nay, chỉ một số trang trại có hầm biogas, có ao chứa nước thải và hệ thống xử lý sinh học, không xả nguồn nước thải chưa xử lý xuống sông Kênh De mới được hoạt động”.
Theo ông Hoằng, nạn ô nhiễm môi trường nước sông Kênh De còn bắt nguồn từ việc bà con nông dân ở các xã đầu nguồn xả rác, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật xuống sông. Hiện nay, Uỷ ban Nhân dân huyện đang cho kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng làm ô nhiễm nguồn nước con sông này. Đồng thời Ủy ban Nhân dân huyện đang bàn phương án hỗ trợ bà con nông dân bằng cách giảm 50% số kinh phí thầu bãi ngao năm nay.
Theo Tuổi trẻ