Tôm chết hàng loạt, nông dân thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng
Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) khiến tôm sú và tôm thẻ chân trắng chết sớm xảy ra hàng loạt ở các tỉnh.
Chiều 26/2, tại cuộc họp với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, nguyên nhân gây tôm (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) chết sớm xảy ra hàng loạt ở các tỉnh thời gian qua là do hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), trong đó có nhiễm vi khuẩn Vibrio.
Tôm chết hàng loạt do hội chứng hoại tử gan cấp tính và nhiễm vi khuẩn Vibrio. |
Năm 2012, cả nước có hơn 100.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị chết do dịch bệnh, ước thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, sau hơn một năm huy động tổng lực các nhà khoa học đầu ngành trong nước nghiên cứu, có sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã xác định được nguyên nhân khiến tôm chết sớm thời gian qua, điều mà cả Trung Quốc, Thái Lan có tình trạng tương tự, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Hội chứng AHPNS gây tôm chết chủ yếu ở giai đoạn 15-40 ngày sau khi thả nuôi; mức độ dịch bệnh trầm trọng vào các tháng 4 đến tháng 7 (chiếm 75% diện tích). Vùng nuôi có độ mặn thấp có tỷ mắc bệnh ít hơn vùng nuôi có độ mặn cao. Tôm bệnh có biểu hiện ngừng ăn, bơi chậm, vỏ mỏng, màu tôm nhợt nhạt, gan tụy có biểu hiện sưng, nhũn, teo.
Theo ông Tuấn, tôm có hội chứng trên do giống xấu (nhiễm vi khuẩn Vibrio, có dấu hiệu bất thường về gan tụy), thả nuôi cao có thuốc bảo vệ thực vật, oxy hòa tan thấp, độ mặn cao và đặc biệt có mặt của vi khuẩn Vibrio, khiến tôm chết sớm.
Để hạn chế dịch bệnh trên, ông Tuấn khuyến cáo, người nuôi cần tẩy dọn ao nuôi triệt để trước khi thả, cần cho lắng, ao xử lý nước riêng biệt..., tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao, diệt giáp xác. Nên thả tôm nuôi từ đầu tháng Ba, chọn giống sạch bệnh, được kiểm dịch, không có bệnh đốm trắng, đầu vàng, nhiễm vi khuẩn Vibrio.
Ông Tuấn cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm giống, tôm nuôi đang lưu hành trên thị trường, không cho lưu hành tôm giống có mầm bệnh, không nhiễm vi khuẩn Vibrio.
Theo Tiền Phong