"Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính quy mô lớn cho Pakistan, vì theo ước tính ban đầu, thiệt hại vào khoảng 30 tỷ USD", ông Guterres phát biểu trong một cuộc họp báo chung ở thủ đô Islamabad, sau cuộc gặp với Thủ tướng Shehbaz Sharif trong chuyến thăm hai ngày, theo Reuters.
Thủ tướng Sharif cho biết "Pakistan cần một nguồn tài trợ vô hạn" cho hoạt động cứu trợ, đồng thời nói thêm rằng đất nước "sẽ còn gặp khó khăn chừng nào không nhận được đủ hỗ trợ quốc tế".
Bộ trưởng Kế hoạch Ahsan Iqbal cho biết trong một cuộc họp báo trước đó rằng Pakistan dự kiến cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP cho năm tài chính 2022-2023 xuống 3% từ 5% do những mất mát trong đợt lũ lụt.
Liên Hợp Quốc trước đó đã kêu gọi một gói cứu trợ trị giá 160 triệu USD cho Pakistan để nước này đối phó với thảm họa.
Nạn nhân lũ lụt trú dựng lều tạm để trú ẩn khi nước lũ dâng cao ở ở Sohbatpur, Pakistan, ngày 4/9. Ảnh: Reuters. |
Mưa kỷ lục và sông băng tan ở các vùng núi phía bắc Pakistan đã gây ra lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, đường xá, đường sá, cầu cống, vật nuôi, hoa màu, và giết chết hơn 1.400 người.
Nhiều khu vực rộng lớn của đất nước bị ngập lụt và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Chính phủ cho biết cuộc sống của gần 33 triệu người đã bị gián đoạn. Cả chính phủ và ông Guterres đều cho rằng thảm họa này là kết quả của biến đổi khí hậu
Trong tháng 7 và tháng 8, Pakistan đã ghi nhận lượng mưa 391 mm - nhiều hơn gần 190% so với mức trung bình trong 30 năm. Tỉnh phía nam Sindh hứng lượng mưa nhiều hơn mức trung bình 466%.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 6,4 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo tại các khu vực bị lũ lụt.
Chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng lại sau lũ lụt đã làm tăng thêm lo ngại về việc liệu đất nước có đủ khả năng tiếp tục trả các khoản nợ của mình hay không.
Trong ba tuần qua, trái phiếu chính phủ của Pakistan đã giảm mạnh, chỉ còn gần một nửa mệnh giá trong một số trường hợp, do các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu lo sợ về một vụ vỡ nợ.