Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiết bị bay không người lái: Tương lai ngành vận chuyển

Tác động kinh tế mà phương tiện vận chuyển không người lái mang lại là rất lớn. Năm 2016, loại thiết bị này sẽ tiếp tục là chủ đề "hot" với kỳ vọng mang lại doanh thu khổng lồ.

Phương tiện bay không người lái thường có 4 chân lắp đặt camera với các cánh quạt quay điều khiển bằng máy tính. Trước đây, thiết bị này chủ yếu dùng cho mục đích giải trí, nhưng nay chúng bắt đầu được ứng dụng nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh, mà cụ thể là chuyên chở và giao hàng.

Thị trường ứng dụng này đang chuyển động khá nhanh. Amazon vừa mới công bố những ý tưởng mới nhất cho phương tiện giao hàng không người lái. Cùng với đó là nhiều hãng công nghệ khác như Walmart và Google cũng muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Nhu cầu tăng vọt

Chỉ tính riêng trong mùa mua sắm cuối năm nay, hơn 400.000 phương tiện bay không người lái đã được bán ra, từ những thiết bị bay ở dạng đồ chơi giá chỉ 40 USD tới các mẫu phương tiện từ 1.000 USD trở lên.

Theo Bloomberg, trong nửa đầu năm nay, mỗi tháng Amazon đã bán được 10.000 phương tiện bay không người lái. Atlanta Hobby - một trong những nhà cung cấp phương tiện bay không người lái dân sự lớn nhất nước Mỹ - có tốc độ tăng trưởng gấp 10 lần so với 5 năm trước đây, đạt doanh thu 20 triệu USD/năm.

Với phương tiện bay không người lái, chỉ riêng thị trường quân sự Mỹ cũng có giá trị tới 18 tỷ USD, còn thị trường tiêu dùng là 1 tỷ USD. Khi thị trường thương mại chính thức đi vào hoạt động, giá trị này sẽ lớn hơn rất nhiều, thậm chí lớn hơn cả 2 thị trường quân sự và tiêu dùng gộp lại.

Tổ chức Unmanned Vehicle Systems International ước tính rằng khi quy định quản lý phương tiện bay không người lái được hoàn thiện, tác động kinh tế của nó có thể vượt 13,6 nghìn tỷ USD chỉ trong năm đầu tiên, mang lại nguồn lợi 82 tỷ USD vào năm 2025.

Nới lỏng quy định

Ứng dụng phương tiện bay không người lái trong lĩnh vực thương mại đã có nhiều bước tiến tại Nhật Bản, Australia, Anh và Canada. Trong hàng chục năm qua, người nông dân Nhật Bản đã sử dụng trực thăng không người lái để hỗ trợ các hoạt động tưới tiêu, bón phân và chăm sóc mùa màng.

Thực tế, mọi chuyện không đơn giản. Một mặt là nhu cầu từ phía người dùng và doanh nghiệp muốn đổi mới hoạt động kinh doanh, mặt khác là những nguy cơ với khu vực công cộng và máy bay truyền thống. Chẳng sớm thì muộn, những vụ va chạm kiểu như phương tiện bay không người lái đâm vào máy bay trực thăng hoặc cả một chiếc camera quay phim rơi xuống đám đông phía dưới hoàn toàn có thể xảy ra.

Các quy định về sử dụng phương tiện bay không người lái trong lĩnh vực thương mại cũng dần được nới lỏng. Hồi tháng 2/2015, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã đưa ra một số quy định cho phép sử dụng loại phương tiện bay này trong chụp ảnh bất động sản, đóng phim, theo dõi công trình xây dựng, nhà máy, vật nuôi, tìm kiếm và cứu nạn. FAA cũng đã cấp phép cho hơn 2.400 doanh nghiệp sử dụng phương tiện bay không người lái. 

Các quy định của FAA sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2016, cùng với thời điểm Amazon, Walmart và Google triển khai hoạt động giao hàng bằng phương tiện không người lái. Đây là hoạt động khá phức tạp, nhất là khi thời tiết xấu, và tất nhiên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, chẳng hạn như va chạm với cây cối, đường dây điện và thậm chí cả con người.

Tất nhiên, quy định của FAA chưa theo kịp hoạt động các doanh nghiệp như Amazon, nhưng ít nhất cơ quan này cũng đã đồng ý cho triển khai thử nghiệm giao hàng bằng phương tiện bay không người lái tại Wilmington, Ohio, Mỹ.

Về phía doanh nghiệp, việc triển khai những hoạt động như thế này thường gắn với hình ảnh thương hiệu. Chẳng ai muốn mình là một phần của sự cố hay tai nạn liên quan nào đó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải triển khai làm sao để hoạt động giao hàng bằng phương tiện bay không người lái diễn ra an toàn nhất.

Tại Mỹ và một số quốc gia khác, việc mua bán phương tiện bay không người lái là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định bắt buộc, chẳng hạn không được xuất hiện gần sân bay hoặc các cơ sở nhạy cảm như căn cứ quân sự.

Ngoài ra, hồi tháng 10 vừa rồi, FAA công bố kế hoạch yêu cầu chủ sở hữu phương tiện bay không người lái phải đăng ký. Quy định này áp dụng với các thiết bị nặng hơn 200g, như một động thái bắt buộc người dùng phải có trách nhiệm với thiết bị của mình.

"Cũng giống như đăng ký súng, xe hơi và tàu thuyền, bắt buộc phải có trách nhiệm đi kèm với nó. Sẽ mất một khoảng thời gian để mọi người làm quen với điều này, nhưng mọi thứ cần phải được thực hiện theo hướng đó", Mark Dombroff - luật sư chuyên ngành hàng không của công ty luật Dentons, nói.

Gia Nguyễn

Bạn có thể quan tâm