Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiêng liêng tình đồng đội

“Chuyện đi tìm đồng đội” là cuốn sách dày 203 trang, do Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam biên soạn và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.

Cải táng hài cốt liệt sĩ. Nguồn: baocantho.

Sách tập hợp 39 câu chuyện xúc động của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào trong các thời kỳ chiến tranh kể lại.

Tựa lưng vào dãy Trường Sơn, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai dân tộc Việt Nam và Lào đã kề vai sát cánh chống kẻ thù chung. Trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh anh dũng và nằm lại trên đất bạn Lào.

Di tim dong doi anh 1

Sách Chuyện đi tìm đồng đội.

Hơn 30 năm qua, công tác chỉ đạo, phối hợp tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã trở thành nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, luôn được Đảng, Nhà nước và quân đội ta đặc biệt quan tâm. Đó không chỉ là những việc làm thiết thực nhằm tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ mà còn đáp ứng tình cảm, nguyện vọng thiết tha của thân nhân liệt sĩ.

Các câu chuyện trong sách Chuyện đi tìm đồng đội phản ánh chân thực những khó khăn, gian nan, vất vả, thậm chí có cả sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong các đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) các tỉnh từ Thanh Hóa đến Kon Tum trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đó là các bài: Những ngày đầu đi tìm đồng đội của Thượng tá Phạm Quang Thư (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa), Tìm kiếm 12 hài cốt liệt sĩ tại bản Khôn Tào của Thượng tá Lê Văn Hiền (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh), Đi tìm mộ liệt sĩ - lại trở thành liệt sĩ của Đại tá Trần Hữu Lưu (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị), 16 năm tìm kiếm 5 hài cốt liệt sĩ Đoàn Đặc công 1A tại bản Pêu của Trung tá Phạm Minh Đạt (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum)...

Trong mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh, người đọc bắt gặp sự linh thiêng của các anh hùng liệt sĩ như một phép màu, dẫn dắt, chỉ đường, thôi thúc tìm đến nơi các anh đã nằm xuống để đưa các anh về với đất mẹ Việt Nam thân yêu, như trong câu chuyện Giấc mơ tìm đồng đội của Khánh An (Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình).

Chuyện đi tìm đồng đội còn thể hiện sâu đậm mối quan hệ đặc biệt, tình cảm gắn bó thủy chung, sâu sắc, sự phối hợp, giúp đỡ chí tình của các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là nhân dân các bộ tộc Lào, năm xưa từng đồng cam cộng khổ, cưu mang, đùm bọc, chở che bộ đội Việt Nam thì giờ đây lại ấm áp nghĩa tình, chu đáo, ân cần với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào.

Trong bất cứ câu chuyện cảm động nào cũng đều có hình ảnh người dân Lào nhân ái, trọng nghĩa tình: Từ bà mẹ Lào ở bản Phou Thong, tỉnh Khammouane trong bài Mối tình son sắt của mẹ Chăn Thìn của Đại tá Phan Đức Quý (Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình) đến cụ ông người Lào đã 80 tuổi ở bản Mon, tỉnh Xiengkhuang trong câu chuyện Tôi làm rẫy để ở cùng bạn tôi của Đại tá Hồ Trọng Bình (Bộ CHQS tỉnh Nghệ An)... đều nói lên điều này.

Có cả những mối tình đẹp, tiêu biểu như tình yêu giữa anh bộ đội tình nguyện người Việt tên Tư và con gái trưởng bản là Noi Xay Phun Thếp trong câu chuyện Bố tôi là bộ đội Việt Nam của Thiếu tá Nguyễn Trọng Dũng (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh).

Chuyện đi tìm đồng đội hấp dẫn và thuyết phục độc giả vì đó là những câu chuyện người thật, việc thật của những người trong cuộc trong hành trình đi tìm đồng đội. Do đó, sẽ có tác động mạnh mẽ, tích cực tới tâm tư, tình cảm của mọi người quan tâm đón đọc, thấy rõ sự khốc liệt của chiến tranh để thêm trân trọng giá trị của hòa bình và góp sức nhỏ bé của mình vun đắp mối quan hệ vĩ đại, đặc biệt Việt Nam - Lào.

Bài liên quan

https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/thieng-lieng-tinh-dong-doi-705572

Lê An Khánh / Báo Quân đội nhân dân

Bạn có thể quan tâm