Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Manchester (Anh) cho thấy một "lớp thiên thạch sắt tiềm ẩn" nằm dưới lớp băng ở Nam Cực khoảng 10-50 cm, RT đưa tin. Chúng vốn là thành phần của những hành tinh lớn từng hình thành rất sớm trong vũ trụ rồi vỡ ra nên có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về hệ Mặt Trời.
Thiên thạch rơi khắp mọi nơi trên trái đất. Tuy nhiên, việc tìm thấy chúng ở Nam Cực dễ dàng hơn, một phần vì chúng có màu tương phản với màu trắng của băng. Hơn 2/3 lượng thiên thạch mà con người đã phát hiện nằm ở Nam Cực.
Việc tìm thiên thạch ở Nam Cực dễ dàng hơn do chúng có màu tương phản với màu của băng tuyết. Ảnh: Express.co.uk |
Theo các nhà khoa học, sự chuyển động băng khiến các viên đá trời di chuyển và tập trung tại một số vị trí dưới lớp băng.
Số lượng thiên thạch sắt mà con người tìm thấy ở Nam Cực ít hơn nhiều so với những nơi khác trên trái đất. Tiến sĩ Geoff Evatt và các cộng sự thuộc Đại học Manchester đưa ra giả thuyết rằng tia sáng của mặt trời xuyên qua lớp băng trong suốt, làm nóng các thiên thạch sắt nhiều hơn những viên đá phi kim. Quá trình nung nóng làm tan chảy lớp băng xung quanh, khiến thiên thạch chìm xuống bên dưới.
Nếu giả thuyết chính xác, một lớp thiên thạch sắt có thể đang nằm dưới bề mặt băng của Nam Cực và tồn tại cách đây hàng nghìn năm.
“Nhiều khả năng thiên thạch sắt đang nằm dưới lớp băng ở Nam Cực. Việc tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của chúng rất cần thiết để chúng ta hiểu thêm về hệ Mặt Trời. Thách thức hiện nay là các nhà khoa học phải xác định được vị trí của lớp thiên thạch và lấy mẫu của chúng", Evatt nói.