Được đánh giá là "võ lâm minh chủ" của văn đàn võ hiệp Trung Quốc, vì vậy những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung luôn được săn đón, trở thành hiện tượng màn ảnh. "Cứ có vai trong phim của Kim Dung, bạn sớm trở thành sao" là nhận xét về sức ảnh hưởng của phim Kim Dung trong ba thập kỷ qua.
Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Những năm gần đây, tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của ông không còn ghi dấu ấn như trước. Cùng với đó là sự đón nhận không mấy mặn mà của khán giả, truyền thông xứ tỷ dân.
Bằng chứng là thất bại của loạt phim Tân Tiếu ngạo giang hồ (2013 và 2018), Tân Thần điêu đại hiệp (2014 và 2019), Tân Anh hùng xạ điêu (2017), Tân Ỷ Thiên Đồ Long ký (2019), Lộc đỉnh ký (2020) hay mới nhất là Thiên long bát bộ (2021). Dẫu có "bệ phóng" danh tiếng của cố nhà văn, những tác phẩm này lại không thu hút tỷ suất người xem cao.
Thảm họa nối tiếp thảm họa
Lên sóng vào khung giờ vàng trên CCTV, Thiên long bát bộ bản 2021 ghi nhận rating toàn quốc đạt 0,7% trong tập đầu tiên, theo số liệu thống kê của Maoyan. Thế nhưng, tỷ suất người xem của bộ phim liên tục giảm trong những tập tiếp theo và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thiên long bát bộ 2021 ghi nhận tỷ suất người xem khiêm tốn. Rating hai tập mới nhất của bộ phim chỉ đạt 0,39%. |
0,39% là con số rating của hai tập mới nhất. Với thành tích khiêm tốn, Thiên long bát bộ 2021 dễ dàng bị những bộ phim lên sóng cùng thời điểm, trong đó có Thành phố lý tưởng của Tôn Lệ "vượt mặt".
Trên trang đánh giá Douban, phim hiện chỉ đạt 3,4/10 điểm chất lượng. Trong đó, 62,8% khán giả chấm một sao, hơn 16% khán giả chấm hai sao. Số điểm 3,4 đưa bộ phim trở thành phiên bản nhận đánh giá thấp nhất.
Trước đó, phiên bản 1997 do Huỳnh Nhật Hoa, Lý Nhược Đồng đóng chính nhận 9 điểm chất lượng, phiên bản 2003 có Hồ Quân, Lâm Chí Dĩnh, Lưu Diệc Phi được chấm 8,4 điểm. Thậm chí, phiên bản có Chung Hán Lương, Kim Ki Bum và Trương Mông bị đánh giá "thảm họa" năm 2013 cũng được chấm 4,5 điểm.
Sự chú ý của khán giả dành cho bộ phim ở thời điểm hiện tại chỉ xoay quanh cách đạo diễn Vu Vinh Quang và dàn diễn viên chính phá nát kiệt tác của cố nhà văn Kim Dung.
Theo Sina, mạch phim trong Thiên long bát bộ phiên bản 2021 có sự xáo trộn lớn khiến nội dung trở nên mơ hồ, bất hợp lý. Sai lầm trong khâu lựa chọn diễn viên khiến Vương Ngữ Yên của Văn Vịnh San bị ví như "oán phụ chờ chồng" dù nhân vật thực chất mới 16 tuổi, "đệ nhất mỹ nam" có xuất thân hoàng tộc Đoàn Dự thành kẻ khờ khạo, yểu điệu và tầm thường trên màn ảnh.
Nam chính Tiêu Phong do tài tử Dương Hựu Ninh thể hiện cũng bị đánh giá là thiếu khí phách, tạo hình phong trần nhưng không thể hiện được nét đặc trưng hoang dã của nhân vật.
Sự thất bại của Thiên long bát bộ 2021 phần lớn nằm ở sự lựa chọn diễn viên. |
Toutiao gọi Thiên long bát bộ 2021 là phiên bản "thất bại nhất của thất bại". Khán giả gay gắt chỉ trích phim mất chất, làm xấu xí bộ mặt tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.
Trở về với Lộc đỉnh ký 2020, dù quy tụ dàn diễn viên trẻ thực lực gồm Trương Nhất Sơn, Đường Nghệ Hân, bộ phim vẫn "ngậm trái đắng" khi lên sóng. Kịch bản diễn ra quá nhanh, cốt truyện bị cắt xén triệt để dẫn đến mất đi tính logic vốn có trong tiểu thuyết gốc.
Nhiều nhân vật phụ và tình tiết vốn tạo nên nét đặc sắc cho Lộc đỉnh ký trong bản mới này cũng bị cắt đất diễn hoặc rút ngắn thời lượng. Đơn cử Hải công công vốn là nhân vật phức tạp, mưu mô và luôn bí mật luyện võ công để đối phó Thái hậu. Thế nhưng, cuộc chiến chốn thâm cung vốn căng thẳng, nay bị biến thành "trò đùa trẻ con".
Rating Lộc đỉnh ký 2020 dao động từ 0,4% đến 0,94%, "lép vế" so với các phim lên sóng cùng thời điểm như Yêu từng centimet, Yến Vân Đài, Thạch đầu khai hoa. |
Với 2.7/10 điểm chất lượng trên trang đánh giá Douban, truyền thông Trung Quốc gọi đây là bản phim thảm họa và tệ nhất trong tổng số 7 lần chuyển thể Lộc đỉnh ký. Được "chọn mặt gửi vàng" phát sóng trong khung giờ cao điểm của CCTV, 45 tập phim của phiên bản 2020 có rating dao động từ 0,4% đến 0,94%. Thành tích khiêm tốn khiến Lộc đỉnh ký 2020 bị các đối thủ như Yêu từng centimet, Yến Vân Đài, Thạch đầu khai hoa bỏ xa.
Tân Tiếu ngạo giang hồ 2018, Tân Thần điêu đại hiệp 2019, Tân Ỷ Thiên Đồ Long ký 2019 cũng nhận kết cục tương tự. Những lỗ hổng về nội dung phim cùng diễn xuất của dàn nghệ sĩ tham gia khiến phiên bản "đàn em" không thu hút sự quan tâm của khán giả.
Có được sự nhìn nhận tích cực từ giới phê bình, Tân Anh hùng xạ điêu 2017 vẫn bị khán giả ghẻ lạnh. Phim với dàn diễn viên mới được đánh giá trung thành với nguyên tác, tái hiện chân thực tinh thần võ hiệp Kim Dung. Trên Douban, phim được chấm 8,1/10 điểm - con số cao hiếm có.
Tuy nhiên, theo CSM52, rating của phim dao động từ 0,53% đến 0,65%. Con số này không thể so với các phim chiếu cùng thời điểm.
"Triều đại" phim võ hiệp đã bị thay thế
"Dù không muốn, giới làm phim truyền hình vẫn phải thừa nhận trong thời đại mà văn hóa mạng xã hội chiếm ưu thế, 'triều đại' của phim võ hiệp nói chung, phim võ hiệp Kim Dung nói riêng đã bị lấn át. Những con số đủ sức cho thấy từng áng văn võ hiệp được đánh giá kinh điển đã không còn sức hấp dẫn với giới trẻ", đạo diễn nổi tiếng Cao Quần Thư nhận định.
Bàn về sự thất thế của dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, Nhân dân Nhật báo cho rằng sự xuất hiện của các phim võ hiệp kiểu mới là một trong những yếu tố khiến phim võ hiệp đánh mất vị thế độc tôn.
Tân Ỷ Thiên Đồ Long ký 2019, Tân Thần điêu đại hiệp 2019 có thành tích ảm đạm khi lên sóng. Ảnh: Sina. |
Phim võ hiệp truyền thống lấy các câu chuyện tung hoành giang hồ làm tuyến kịch bản chính. Hầu hết kịch bản cũ chú trọng xây dựng nhân vật anh hùng, bỏ qua hoặc không khai thác sâu yếu tố tình cảm.
Nhưng hiện nay, bí quyết thu hút khán giả của các phim võ hiệp kiểu mới là đặt trọng tâm vào câu chuyện “nữ nhi tình trường", hút khán giả nữ. Với sự thay đổi đó, hàng loạt phim tiên hiệp mang đậm yếu tố ngôn tình tung hoành trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ.
Đó là Cổ kiếm kỳ đàm, Tru Tiên, Hoa Thiên Cốt, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa, Trạch thiên ký, Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư, Hương mật tựa khói sương, Lưu Ly mỹ nhân sát…
Giới phê bình phim cho hay cuối những năm 2000 bắt đầu đánh dấu thời hoàng kim của dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết phát hành trên mạng. Thời của những tác phẩm được đánh giá kinh điển đã giảm hẳn sức hút.
Sự ra đời của loạt phim tiên hiệp mang đậm yếu tố ngôn tình khiến dòng phim võ hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung thất thế. Ảnh: Sina. |
"Tân Tiếu ngạo giang hồ, Tân Thần điêu đại hiệp hay Tân Anh hùng xạ điêu ra mắt đều thảm bại về tỷ suất người xem. Nhưng Lang Gia Bảng, Hoa Thiên Cốt hay Tru Tiên lại trở thành những bom tấn trên màn ảnh. Thậm chí Cô phương bất tự thưởng cải biên từ tiểu thuyết ngôn tình, lại bị chỉ trích đóng thế toàn bộ phim nhưng vẫn có tỷ suất người xem trên 1%", QQ nói lên thực trạng.
Bên cạnh yếu tố khách quan, không thể phủ nhận phim chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mất đi sức nóng còn xuất phát từ yếu tố chủ quan.
Đó là sự chuyển thể vô tội vạ những áng văn kinh điển khán giả đã thuộc nằm lòng. Đó là sự nhào nặn quá đà, là thái độ làm phim hời hợt, qua loa của một bộ phận nhà sản xuất. Tân Tiếu ngạo giang hồ 2013, Tân Thần điêu đại hiệp 2014 hay Lộc đỉnh ký 2020 là những minh chứng.