Trước cách mạng, gia đình giáo sư Đặng Thai Mai đã nhiều lần đến thuê hoặc mượn biệt thự ở Sầm Sơn để nghỉ mát. Những ký ức về một thị xã du lịch xinh đẹp vẫn còn đọng lại trong những trang viết của hai người con gái của giáo sư, là PGS Đặng Anh Đào và PGS Đặng Thị Hạnh.
PGS Đặng Thị Hạnh, trong cuốn hồi ức Cô bé nhìn mưa (NXB Phụ nữ, 2008), cho biết, Sầm Sơn khi ấy còn là nơi nghỉ của người Pháp và dân Việt Nam loại giàu. Hai bên các con đường nhựa chạy dọc theo bờ biển (được dân Sầm Sơn gọi là Sầm Sơn phía thấp - Sầm Sơn le bas) và của con đường dẫn lên núi (Sầm Sơn le haut) là những ngôi biệt thự núp sau cây xanh, nội thất rất sang trọng, mang những cái tên theo thứ cây hoặc thứ hoa mà chủ nhân của chúng đã chọn để trồng nhiều nhất: Biệt thự Trúc Đào, Lệ Liễu, Tường Vi…
Toàn cảnh thị xã du lịch Sầm Sơn năm 1930 trong bưu ảnh của người Pháp. |
Còn một loại tên biệt thự nữa thường kết hợp với tên chủ nhân: Khi xây được một biệt thự ở cuối thị xã, bà bạn GS Đặng Thai Mai là bà Thục Viên đã đặt tên là biệt thự Dật Viên, vừa có nghĩa là vườn nghỉ, đồng thời lấy lại tên thời con gái của bà.
Tác giả Đặng Thị Hạnh vẽ lại những nét sống động về sinh hoạt trên bãi tắm Sầm Sơn cách đây trên 75 năm, với những điều trái ngược phơi bày một cách hiển nhiên, tất yếu tới mức con người như không còn cảm nhận được sự vô lý nữa:
“Trong khi trên bãi biển, những người đi tắm mặc những bộ áo tắm đắt tiền, dệt bằng len dày (chỉ áo tắm bằng len lúc xuống nước mới co khít vào người, không chảy ra như các loại vải khác), màu lục sẫm, đỏ mận hoặc bleu-marine, các cô thiếu nữ Pháp tóc vàng hoặc nâu, mặc soóc trắng, áo sơ mi màu đỏ rực hoặc đầy hoa to xanh sẫm tùy theo màu tóc, thì những người đánh cá chỉ mặc mỗi cái khố, từ từ vừa đi vừa kéo cái mảng từ xa về, chân đánh nhịp theo bước đi”.
PGS Đặng Anh Đào, trong cuốn hồi ức Tầm xuân & Những ký ức muộn (NXB Lao động, 2005), kể lại rằng, khi kiếm được tiền, GS Đặng Thai Mai đã thuê căn biệt thự của người bạn Huế, ông Hường Trâm, “chủ giây thép”, tức sếp của trạm bưu điện Sầm Sơn, để cả gia đình nghỉ mát. Đó là một căn biệt thự trồng toàn tường vi, những chùm hoa lấm tấm hồng, tím xen lẫn bạch đàn mới lớn.
Bà còn nhớ đến những kiến trúc đẹp quanh đó, như biệt thự Tĩnh Gia Trang có khu vườn râm bởi hai cây phượng lớn. Dưới cây phượng rực hoa lửa, nhà sử học Nguyễn Thiệu Lâu mắt mơ màng sau lần kính trắng…
Còn biệt thự của ông Nghiêm Toản mang tên đứa con trai của ông là Nghiêm Băng thì ở sát làng đạo, tháp chuông nhà thờ cao vút lên trời. Bên cạnh biệt thự này là nhà nghỉ mát dành cho hướng đạo sinh.
Tác giả nhớ lại, ở Sầm Sơn có khu biệt thự première rangée (hàng nhất), tức là những biệt thự ở hàng đường thứ nhất, sát biển, thường là của Tây hoặc những người đặc biệt giàu có. Bãi tắm cũng phân chia thành khu Tây, khu ta. Trước đây, không phải dân vào làng Tây hoặc đi với Tây, người Việt nào lớ xớ đến tắm ở bãi đá sát chân chùa Độc Cước - được gọi là Terasse - sẽ bị Tây đuổi.
Biệt thự của viên Công sứ Pháp tại Thanh Hóa trên mỏm núi ở Sầm Sơn. |
Đến khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), thì người Pháp kéo nhau trốn đi, những biệt thự đẹp nhất của Pháp dần dần hoang vắng. Bãi tắm cũng thôi không còn chia thành khu Tây, khu ta nữa.
Ở trên núi, còn có tòa biệt thự Maiténa, biệt thự vào loại đẹp nhất ở Sầm Sơn của một chủ ngân hàng Pháp, vừa xây xong chưa kịp ở. Và cũng không ai kịp ở, vì sau đó nó bị phá hủy ngay trong những ngày đầu năm 1947.
Tác giả nhắc lại những câu chuyện li kỳ bà được biết khi nhân dân địa phương phá hủy các cơ sở vật chất ở Sầm Sơn để tiêu thổ kháng chiến, như khi phá hủy khách sạn Reynauld, người ta kéo được ở dưới giếng lên một thùng kẽm chứa đầy bạc Đông Dương.
Còn ở cái khách sạn gần biệt thự của viên công sứ tỉnh Ninh Bình, họ đào được một cái quan tài. Đập ra, ở trong có một cái tiểu. Mở cái tiểu ra, họ tìm thấy hai thanh bạc, mỗi thanh mười lạng. Cạo lớp bạc đi, ở trong là vàng.
Bà Đặng Thị Hạnh cũng nhớ lại quang cảnh thị xã Sầm Sơn sau khi người Pháp trốn đi: “Thị xã còn lại vắng ngắt, đẹp lạ lùng với trời biển càng như rộng hơn và những biệt thự không người, hoa quả đầy vườn, cây cối xum xuê”.
Vì nhiều biệt thự vắng khách, ít người thuê nên gia đình GS Đặng Thai Mai đã chuyển đến một ngôi nhà trước đó có lẽ khá đắt. Đó là biệt thự có tên không đẹp vì lấy tên ông chủ - Trần Quang Đoan, nhưng có vườn và nội thất rất đẹp. Khi đó, bà Hạnh cùng những người bạn cũng không phải đi học vì trường đã giải tán, nên đi lông bông khắp đồi núi và bãi biển Sầm Sơn, tới mọi ngõ ngách: Bãi Lãn, bãi Trường Lệ, Belvédère (vọng lâu ở đỉnh cao nhất Sầm Sơn) ở phía bên kia núi Độc Cước.
Được ít lâu sau, Sầm Sơn bắt đầu đông trở lại, do con cái các gia đình khá giả của vùng lân cận Ninh Bình, Thanh Hóa bắt đầu đổ xuống Sầm Sơn. Rồi sau đó là cách mạng tháng Tám. “Cờ xí rợp trời, nắng tháng Tám trên bãi cát vàng óng và biển xanh màu lục sẫm… Tất cả màu của thiên nhiên vào lúc này đều rực rỡ”.
Gia đình GS Đặng Thai Mai rời Sầm Sơn trở về Hà Nội ngay sau đó, và cho đến mãi về sau, PGS Đặng Thị Hạnh vẫn nhớ lời của chị mình: “Dù sao Sầm Sơn vẫn là lost paradise” (thiên đường đã mất).