Nhiếp ảnh gia Chris Taylor đã lặn dưới mặt biển Norfolk, ngay phía bắc trạm cứu hộ Sheringham. Anh cho biết nhiệt độ của nước là hoàn hảo để "giải nhiệt, song cũng không quá lạnh”. Anh đã lặn với ống thở từ năm 15 tuổi và chụp ảnh quanh Sheringham được 5 năm, theo BBC. |
Anh mô tả khung cảnh như một “thiên đường dưới nước”, vốn là nơi sinh sống của nhiều loại sinh vật biển. Anh Taylor đã lặn biển ở đây vào ngày 18-19/7, trong đợt nắng nóng chứng kiến nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay của Anh. |
Sau khi nhiệt độ trong thị trấn lên tới 30 độ C vào hôm 18/7, anh Taylor đã ra biển lặn trên rạn đá phấn. “Đó là một thế giới bí ẩn bị che khuất khỏi tầm nhìn. Thật không thể tin được”, anh nói. |
Trước đây, anh đã chụp ảnh Sheringham Snorkel Trail, một con đường lặn được hình thành trên đỉnh đường ống thoát nước thải đã bỏ đi và cho biết nó không gây “thất vọng” trong thời tiết nóng nực của tuần này. Kể từ khi chụp ảnh rạn đá này, anh cho biết bản thân không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong cảnh quan dưới nước. Nó vẫn là một hệ sinh thái phát triển khỏe mạnh, anh cho biết thêm. |
Hiệp hội Bảo tồn Biển cho biết bờ biển Norfolk là nơi có rạn đá phấn dài nhất ở châu Âu. Bản thân rạn đá này đã được công nhận là Khu Bảo tồn Biển vào năm 2016, với các bãi biển ở phía đông được trao Cờ Xanh - một danh hiệu dành cho những bải biển sạch và an toàn ở châu Âu. |
Anh Taylor cho biết “nước biển trong xanh như pha lê và những bãi biển phủ đầy cát” làm cho đường bờ biển giống như vùng Caribe vào những ngày nắng nóng. "Rất nhiều người đứng trên bờ biển hoặc chèo thuyền, đồng thời không biết những thứ cách họ vài bước chân là gì”, anh nói. |
Trên trang web, Hiệp hội Bảo tồn Biển cho biết các hệ sinh thái đại dương, vốn điều hòa khí hậu của chúng ta, đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu. Cơ quan này cho biết đại dương có thể giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải nếu chúng ta bảo tồn và khôi phục lại những vùng đất rộng lớn dưới đáy biển. |