Cái nóng oi bức không thể ngăn bà Eileen Hilton, 53 tuổi, chăm sóc làn da rám nắng của mình trong khu vườn phía sau nhà ở Dagenham, phía đông London, vào thứ ba tuần trước (19/7). Đó cũng là ngày Vương quốc Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử.
Khi mặt trời chiếu xuống khu vườn nhà Hilton, mùi khói bao trùm không khí. Bà Hilton tưởng rằng hàng xóm của mình đang nhóm lửa. Tuy nhiên, những gì diễn ra tiếp theo còn tồi tệ hơn nhiều.
"Cảnh sát có mặt ở khắp mọi nơi, đập cửa và la hét: ‘Ra ngoài ngay’'", bà Hilton nói về sự hỗn loạn sau đó.
Đám cháy được cho là bùng phát từ một công viên, lan sang các ngôi nhà lân cận và tràn qua đường phố nơi bà Hilton sinh sống. Theo các quan chức địa phương, vụ hỏa hoạn đã phá hủy 14 ngôi nhà và làm hư hại thêm 6 ngôi nhà trong khu vực, biến khu phố này thành "nạn nhân" mới nhất dưới thời tiết khắc nghiệt ở London.
Song đó chỉ là một trong số hàng trăm ngọn lửa bùng phát trên khắp London vào tuần trước. Thành phố này vốn không được trang bị để thích ứng với nhiệt độ cao và hiếm khi có hiện tượng cháy rừng.
Thời tiết cực đoan
Các đám cháy quanh thủ đô đã phá hủy hàng chục cửa hàng và nhà ở. Đội cứu hỏa London mô tả thứ ba tuần trước (19/7) là ngày bận rộn nhất kể từ Thế chiến II, đồng thời tuyên bố rằng các vụ cháy là một ví dụ khác cho thấy "chúng ta đang ngày càng bị thách thức bởi thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu".
Các nhà khoa học khí hậu cho biết thời tiết mùa hè khắc nghiệt là một phần xu hướng trong toàn khu vực. Theo một nghiên cứu công bố vào đầu tháng 7, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trên khắp châu Âu trong 4 thập kỷ qua.
Sự nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiệt độ trung bình đã tăng ít nhất 1,1 độ C kể từ cuối thế kỷ 19, do sự gia tăng lượng khí thải CO2 và khí nhà kính.
Xe hơi và nhà cửa bị thiêu rụi sau khi đám cháy tàn phá Dagenham hôm 19/7. Ảnh: CNN. |
Vào ngày 25/7, các cơ quan cứu hỏa đã thông báo về một sự cố lớn ở Surrey, quận phía tây nam London. Các quan chức địa phương cũng kêu gọi người dân hủy bỏ tiệc nướng.
"Chúng tôi không thể đối phó với số lượng đám cháy bùng phát trên toàn thành phố do đợt nắng nóng mà chúng tôi đang trải qua", Thị trưởng London Sadiq Khan nói với Sky News.
Khi các phóng viên CNN đến thăm Dagenham, nơi bà Hilton sinh sống, khung cảnh giống như một khu chiến sự. Những chiếc ôtô bị nóng chảy trơ khung kim loại, nhà cửa sập sệ, cửa sổ đen kịt, và thùng rác chỉ còn là những cục nhựa.
Khoảng 200 cư dân đã được sơ tán khỏi khu vực này vào ngày 19/7, đưa đến các khách sạn và nơi trú ẩn khẩn cấp, Darren Rodwell, lãnh đạo quận Barking và Dagenham, nói với CNN.
Tại công viên The Leys, khu vực được cho là điểm bùng phát đầu tiên, ông Rodwell nhìn ra cánh đồng màu tro bị đốt cháy, và cảnh báo rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.
"Chúng tôi đã thấy lũ lụt hàng loạt trong hai năm qua, với khoảng 20 trận lũ trong một ngày, điều chưa từng có trước đây. Đó là sự nóng lên toàn cầu", ông nói. "Và chúng tôi vừa trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử, một lần nữa, có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu".
Ông Rodwell lo ngại Barking và Dagenham không đủ khả năng thích ứng với những gì sắp xảy ra.
“Chúng tôi luôn có thời tiết khá ôn hòa, dù vào mùa hè hay mùa đông, nhưng giờ đây chúng tôi cần chuẩn bị để đối mặt với nhiều điều kiện khắc nghiệt. Cơ sở hạ tầng ở quận này đã khoảng 100 năm tuổi. Chúng tôi cần đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng của thế kỷ 21", ông nói.
Các tòa nhà ở Anh từ lâu được thiết kế để giữ nhiệt nhằm chống chọi với mùa đông lạnh giá. Nhưng khi mùa hè dần nóng hơn, một số ngôi nhà đang trở nên khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm. So với các thành phố như New York, các tòa nhà văn phòng và trung tâm công cộng ở London hiếm khi có hệ thống điều hòa.
Lực lượng cứu hỏa Anh cũng cảnh báo về việc thiếu chuẩn bị trước tình trạng nhiệt độ tăng cao. Liên đoàn Cứu hỏa cho biết trong hơn một thập kỷ, sự thiếu hụt tài chính đã ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của cơ quan này.
"Nhân viên cứu hỏa là tuyến đầu ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về khí hậu. Nhu cầu công việc ngày càng tăng, nhưng 11.500 lính cứu hỏa đã bị cắt giảm kể từ năm 2010”, cơ quan này cho biết.
“Chúng tôi đã mất tất cả”
Barking và Dagenham có nhiều không gian xanh hơn bất kỳ quận nào khác. Tuy nhiên, những bãi cỏ trải rộng đó đã trở thành mồi lửa trong đợt nắng nóng.
Thời tiết khô, nóng vào tháng 7 đã gây ra nhiều đám cháy ở công viên The Leys. Zoya Shumanska, 32 tuổi, nói với CNN: "Đám cháy đã được kiểm soát” nhưng những gì xảy ra hôm 19/7 “hoàn toàn gây sốc".
Nhà của Zoya Shumanska ở Dagenham đã bị thiêu rụi trong đám cháy. Ảnh: CNN. |
Khi Lyuben Velov, chồng của Shumanska, về nhà vào ngày hôm đó, anh nhận thấy các con đường bị phong tỏa và khói lửa bốc lên từ công viên.
"Tôi đi ra sau nhà, lớn tiếng nói với cảnh sát và lính cứu hỏa rằng con chó của tôi đang ở bên trong, và liệu họ có thể cứu nó không", Velvov nói và cho biết thêm không ai nghe thấy anh. Do đó, anh "quyết định tự nhảy vào".
Velov cho biết hai lính cứu hỏa đã theo sau anh, vượt qua hàng rào và giúp anh phá cửa. "Nếu họ không giúp tôi, tôi đã không thể cứu con chó của chúng tôi. Tôi rất cảm ơn", anh nói.
Shumanska nghe tin nhà của họ bị thiêu rụi khi đang chờ lên chuyến bay đến Bulgaria. Cú sốc khiến cô bỏ lại túi xách ở sân bay, nhưng sau đó cô đã lấy lại đồ đạc và cố gắng tiếp tục chuyến bay. Cô bật khóc khi lên máy bay.
"Tôi yêu ngôi nhà này", Shumanska chia sẻ với đôi mắt ngấn lệ trong cuộc gọi video từ Bulgaria. "Chúng tôi mua nó khi tôi 21 tuổi, lúc đó, mọi người nói với tôi rằng 'bạn không thể mua một ngôi nhà vì họ sẽ không cho bạn thế chấp'".
Bất chấp lời khuyên của những người khác, Shumanska và Velov đã mua ngôi nhà hai tầng khoảng một thập kỷ trước. "Ngôi nhà này là một thành tựu thực sự lớn đối với tôi, vì vậy, chúng tôi muốn xây dựng lại nó" với sự giúp đỡ từ công ty bảo hiểm, cô nói.
Dù mất nhà, Shumanska và gia đình vẫn "cố gắng suy nghĩ tích cực". "Chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi vẫn an toàn, chúng tôi vẫn còn sống", cô chia sẻ.