Một cán bộ ngành nông nghiệp thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết nếu nói nghề trồng củ hành tím ở Vĩnh Châu kéo theo hệ lụy mù mắt là hoàn toàn sai. Với diện tích trên 7.000 ha, mỗi năm người dân xứ biển này thu hoạch khoảng 130.000 tấn củ hành để bán khắp cả nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn gia đình.
Dọc theo đường Nam Sông Hậu ở thị xã Vĩnh Châu mùa này có nhiều trẻ em cắt sạch lá củ hành giống để chuẩn bị cho đợt trồng hành chính vụ. |
"Những hộ nuôi tôm tranh thủ thời gian nhàn rỗi đi cắt củ hành thuê cho đại lý thu mua nông sản. Người già, trẻ em cũng có việc làm với thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày vào mùa thu hoạch hành tím", một cán bộ phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ.
Từ Vĩnh Phước, Lai Hòa, Vĩnh Tân ngược về phường 2 cho đến xã Lạc Hòa, Vĩnh Hải đều có hành tím. Gần Tết, nông dân không chỉ tất bật thu hoạch mà còn xuống giống chính vụ khiến không khí ngày mùa rộn ràng. Qua cầu Mỹ Thanh 2 không xa, hai bên đường Nam Sông Hậu (quốc lộ 91C) có nhiều tốp nông dân xới đất, lên giồng. Phụ nữ, trẻ em được phân công làm sạch lá khô của các chùm hành giống được đánh đầy phấn.
Theo một nông dân, phấn hành là bột đất sét trắng trộn với thuốc trừ sâu Mipcin, quét lên các chùm hành giống để chống kiến, sâu bọ và ngăn ngừa bị thối. Trước đây người dân dùng hóa chất độc hại DDT để bảo quản củ hành sau mỗi mùa vụ nhưng chất này đã bị cấm nên chuyển sang Mipcin.
Phấn hành có màu trắng chứa thuốc trừ sâu. |
"Chất độc hại methyl parathion có trong Mipcin nếu bay vào mắt người có thể gây viêm nhiễm. Nhiều bệnh nhân không điều trị đúng cách, tự ý nhỏ thuốc hoặc dụi mắt khiến giác mạc bị hỏng", một bác sĩ cho biết.
Trò chuyện với phóng viên, ông Lâm Âu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Lạc Hòa, cho biết toàn xã có khoảng 210 người mù một mắt. Số bệnh nhân sống trong bóng tối vì mùa 2 mắt là 52 ca, tập trung nhiều ở xã Đại Bái và Đại Bái A.
"Nhiều người cho rằng bệnh nhân mù do tiếp xúc nhiều với củ hành nhưng chưa có cơ sở khẳng định vì không ít người mù 2 mắt mà không hề liên quan đến nông sản này. Làm nông nghiệp, thủy sản hoặc đi đường bị bụi bay vào mắt, bà con không điều trị đúng cách khiến mắt bị tật", ông Âu nói.
Gia đình ông Thạch Hươl có 4 người bị mù nhưng toàn là dân đi biển. Trong đó ông Hương với mẹ già Danh Thị En mù cả 2 mắt nhưng chưa bao giờ thu hoạch hoặc cắt củ hành.
Ông Hươl và mẹ bị mù 2 mắt nhưng không hề tiếp xúc với củ hành. |
"Hai con tôi cũng bị mù một mắt. Tụi nó đi biển, không trồng hành. Tôi và mẹ cũng vậy", ông Hươl khẳng định.
Theo Chủ tịch Hội chữ thập đỏ thị xã Vĩnh Châu ông Duy Quốc Dặm thì toàn thị xã có khoảng 1.500 người bị khuyết tật về mắt. Trong đó có hơn 200 người mù 2 mắt, còn lại là mù, mờ, dị tật bẩm sinh 1 mắt.
"Làm hành, trồng lúa, đi đường mà không mang kính khiến bụi, phấn bay vào mắt. Người dân không vệ sinh tốt khi mắt bị phấn, bụi, tự ý nhỏ các loại thuốc không phù hợp hoặc điều trị sai dẫn đến hỏng mắt", ông Dặm nói.
Nhà chức trách tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi làm hành. |
Ngoài công tác tuyên truyền ý thức vệ sinh cá nhân, nhà chức trách ở thị xã ven biển khuyến cáo người dân mang kính bảo hộ trong thu hoạch nông sản để bảo vệ mắt, làm giảm nguy cơ khuyết tật, gây mù lòa.