Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trước khi về tu viện trồng đậu, Mendel đã thi trượt sinh học 2 lần

Không bị ảnh hưởng bởi kiến thức sinh học thông thường, Mendel đã trở thành "cha đẻ của di truyền học hiện đại" nhờ quan sát nhạy bén và sự tận tâm của một người làm vườn.

Không có gì trong những năm đầu đời của Mendel gợi dù chỉ một ý niệm mơ hồ về một nhà khoa học cách mạng sẽ xuất hiện sau này. [...] Mùa hè năm 1848, Mendel đã bắt đầu công việc của một linh mục xứ đạo ở Brno. Ông, theo tất cả ghi chép có được, đã làm công việc này cực kém. “Bị xâm chiếm bởi nỗi nhút nhát không thể chế ngự”, như cha trưởng tu viện mô tả, Mendel ngọng líu ngọng lo với tiếng Czech (thứ ngôn ngữ của hầu hết giáo dân), là một linh mục tẻ ngắt, và quá căng thẳng để truyền tải sức mạnh xúc cảm của công việc này đến với người nghèo.

Cuối năm ấy, ông đã nghĩ ra một kế thoát thân hoàn hảo: ông nộp đơn xin việc dạy toán, khoa học tự nhiên, và tiếng Hy Lạp sơ cấp tại trường trung học Znaim. Với sự tác động đắc lực của tu viện, Mendel đã được tuyển chọn - mặc dù không phải là không có trắc trở. Biết rằng ông chưa từng được đào tạo làm nghề giáo, nhà trường yêu cầu Mendel trải qua một kỳ thi chính thức về khoa học tự nhiên dành cho giáo viên trung học.

Vào cuối mùa xuân năm 1850, có một Mendel háo hức tham dự kỳ thi viết ở Brno. Ông trượt - với thành tích thậm tệ về địa chất học (“khô khan, tối nghĩa, và hàm hồ”, một nhà phê bình đã chê trách những gì Mendel viết ra về đề tài này). Ngày 20 tháng 7, giữa lúc ở Áo đang diễn ra một đợt nóng kinh người, ông từ Brno khăn gói đến Vienna để tham dự phần thi vấn đáp. Ngày 16 tháng 8, ông ra trước hội đồng thi để được sát hạch về khoa học tự nhiên. Lần này, thành tích của ông thậm chí càng tồi hơn - về sinh học.

Được yêu cầu mô tả và phân loại động vật có vú, ông viết cẩu thả một hệ thống phân loại không đầy đủ và phi lý - bỏ sót nhiều loài, bịa đặt ra nhiều loài khác, gộp kangaroo chung với hải ly, và lợn với voi. “Thí sinh này hình như chẳng biết chút gì về thuật ngữ chuyên môn, cụ thể là các loài động vật theo tiếng Đức thông tục, và né tránh hệ thống danh pháp”, một trong các giám thị viết. Mendel lại một lần nữa trượt.

lich su di truyen anh 1

Gregor Johann Mendel (20/7/1822 - 6/1/1884) là một nhà khoa học, một linh mục Công giáo người Áo thuộc Dòng Augustine. Ảnh: Public Domain.

[...] Mendel đã dành hai năm nghiên cứu vật lý, hóa học, địa chất, thực vật và động vật học tại trường đại học ở Vienna. Năm 1853, ông quay trở lại tu viện và bắt đầu làm việc như một giáo viên thay thế tại Brno Modern School. Các giáo sĩ điều hành trường rất cầu kỳ về việc sát hạch và cấp chứng chỉ, và đó là thời điểm thích hợp để một lần nữa cố gắng lấy được tấm bằng. Mendel bèn nộp đơn thi.

Đáng tiếc thay, nỗ lực lần thứ hai này cũng lại là một thảm họa. Mendel đổ bệnh, hầu như có thể nói vì quá lo lắng. Ông đặt chân đến Vienna với cái đầu nhức như búa bổ và một tâm trạng cáu kỉnh - và đã tranh cãi với giám khảo môn thực vật học vào ngày đầu tiên của kỳ sát hạch ba ngày. Chẳng ai biết họ đã bất đồng về chuyện gì, nhưng rất có thể liên quan đến chủ đề sự hình thành loài, biến dị, và di truyền. Mendel đã không hoàn thành kỳ thi. Ông trở lại Brno cam chịu số phận của một giáo viên thay thế. Ông không bao giờ thử thi lấy chứng nhận lần nào nữa.

Mùa hè năm ấy, vẫn chưa hết tổn thương vì kỳ thi thất bại, Mendel tiến hành trồng một vụ đậu. Đó không phải vụ đầu tiên của ông. Ông đã từng trồng đậu trong nhà kính trong ba năm. Ông đã thu thập được 34 giống từ những nông trang lân cận và gây giống chúng để chọn ra những dòng “thuần chủng” - tức là, mọi hạt đậu sẽ cho ra kết quả y hệt nhau, với sắc hoa hay kết cấu hạt đồng dạng. Chúng “luôn ổn định, không có ngoại lệ”, ông viết. Cha mẹ thế nào con cái thế ấy. Ông đã thu thập nguyên liệu nền cho thực nghiệm của mình. [...]

“Chỉ một tư tưởng nhỏ nhoi biết mấy đã đủ khỏa lấp cả sinh mệnh chúng ta”, triết gia Ludwig Wittgenstein từng viết như vậy. Quả nhiên, thoạt nhìn, đời sống của Mendel dường như đầy mứa những tư tưởng nhỏ bé nhất. Gieo, thụ phấn, ra hoa, hái quả, bóc vỏ, đếm, lặp đi lặp lại. Cái tiến trình chán chường khốn khổ cùng cực - nhưng những ý tưởng nhỏ nhoi ấy, Mendel biết, thường đơm hoa kết quả thành những nguyên tắc lớn lao.

Nếu cuộc cách mạng khoa học hùng vĩ đã quét qua Âu châu thế kỷ 18 có một di sản gì, thì là đây: những quy luật không đổi và phổ quát xuyên suốt trong tự nhiên. Cái lực khiến cho quả táo của Newton rơi từ cành cây xuống đầu ông cũng là cái lực đã dẫn dắt những hành tinh theo những quỹ đạo thiên văn của chúng. Nếu sự di truyền cũng có một quy luật tự nhiên phổ quát, thế thì nó rất có thể tác động đến sự hình thành những cây đậu nhiều như là sự hình thành loài người. Mảnh vườn ươm của Mendel có thể bé nhỏ - nhưng ông không lẫn lộn kích thước khiêm tốn của nó với tham vọng khoa học của mình.

lich su di truyen anh 2

Khu vườn tại Brno vào năm 2010. Ảnh: Dezidor.

“Những thí nghiệm tiến triển chậm chạp”, Mendel viết. “Thoạt đầu cần có sự kiên nhẫn nhất định, nhưng tôi đã sớm nhận thấy mọi việc cải thiện thêm lên khi tôi tiến hành vài thí nghiệm cùng lúc”. Với nhiều cuộc lai tạo song song, việc thu thập dữ kiện trở nên nhanh chóng gấp bội. Dần dà, ông bắt đầu nhận rõ những mẫu hình trong mớ dữ kiện rối rắm - những sự ổn định bất ngờ, những tỉ lệ khá bền vững, nhịp điệu của những con số. Sau rốt, ông đã lần đến được logic nội tại của sự di truyền.

Giữa những năm 1857 và 1864, Mendel bóc vỏ hết giạ đậu này đến giạ đậu khác, miệt mài lập biểu đồ miêu tả kết quả của mỗi đợt tạp giao cây lai (“hạt vàng, lá mầm xanh, hoa trắng”). Những kết quả cho ra vẫn nhất quán một cách đáng kinh ngạc. Mảnh đất nhỏ trong vườn tu viện đã tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ để phân tích - 28.000 cây, 40.000 hoa, và gần 400.000 hạt.

“Quả thực là cần đôi chút can đảm để tiến hành một công việc với quy mô khủng khiếp nhường ấy”, Mendel về sau đã viết. Nhưng can đảm là từ không đúng ở đây. Hơn cả can đảm, có một điều khác hiển nhiên trong công việc ấy - phẩm chất mà ta chỉ có thể miêu tả là tận tâm (tenderness).

Đó là một từ không thường được dùng để mô tả khoa học, hay các nhà khoa học. Nó có cùng gốc, tất nhiên, không chỉ với từ chăm sóc (tending) - công việc của một nông gia hay người làm vườn - mà còn với từ căng thẳng (tension), sức rướn của một tua dây đậu vươn về phía ánh sáng mặt trời hoặc uốn éo quanh thân.

Mendel, trước tiên và trên hết, là một người làm vườn. Thiên tài của ông không được nhen nhóm bởi sự am hiểu sâu xa về những thông lệ trong sinh học (may mắn thay, ông đã thi trượt hai lần). Thay vì vậy, chính sự hiểu biết do bản năng về nghề làm vườn, kết hợp với sự quan sát nhạy bén - công việc thụ phấn cây con nhọc nhằn, lập biểu đồ về những màu sắc của lá mầm - đã sớm dẫn ông đến những khám phá vốn không thể lý giải bởi cách hiểu truyền thống về di truyền.

Ra mắt sách về hai nhà khoa học lớn: Louis Pasteur và Gregor Mendel

Sách "Louis Pasteur - Gregor Mendel và Cuộc cách mạng Sinh học - Y khoa" giúp bạn đọc biết được đầy đủ những thành tựu lớn lao của hai nhà khoa học này.

Nghiên cứu đột phá về nguồn gốc các loài

Với nghiên cứu công phu, khoa học và thực chứng, Charles Darwin đã lý giải thuyết phục về sự tiến hóa của các sinh vật trên thế giới qua đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên.

Siddhartha Mukherjee/NXB Dân Trí

SÁCH HAY