Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường xuất bản ở VN đã gần bằng trình độ thế giới

Đại biểu tham gia tọa đàm về vai trò của phát hành sách nhận định rằng, trong 10 năm qua thị trường xuất bản, phát hành sách ở Việt Nam đã tiệm cận với trình độ thế giới.

Ngày 15/10, tại Ban tuyên giáo TW – Văn phòng phía Nam đã diễn ra buổi tọa đàm về phát huy vai trò của lực lượng phát hành sách trong việc nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Tại đây, các nhà xuất bản, công ty phát hành cùng nói lên những tín hiệu tích cực và các vấn đề tồn đọng trong công tác phát hành ấn bản phẩm.

Thị trường xuất bản tiệm cận quốc tế

Mở đầu tọa đàm, ông Phạm Minh Thuận (Giám đốc Fahasha) báo cáo những hiệu quả, hạn chế trong việc phát hành sách sau 10 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Trong 10 năm qua, ngoài vai trò chính của nhà xuất bản, ông Thuận còn ghi nhận đóng góp các công ty truyền thông văn hóa trong việc làm ra ấn bản phẩm. Ông dự đoán, nếu các NXB không nỗ lực sẽ bị tụt hậu so với sự phát triển của thị trường xuất bản hiện nay.

“Tôi nhận thấy trong thời gian qua, sách ấn tượng chỉ có của các NXB Trẻ, Kim Đồng và Phụ Nữ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tạo dấu ấn trong phát hành”, ông Thuận phát biểu.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Đánh giá về thị trường xuất bản, ông Thuận cho rằng, trong một chừng mực nào đó, trong 10 năm qua đã tiệm cận với trình độ thế giới. “Như trước kia, với những tác phẩm tạo tiếng vang chúng ta phải mất một thời gian dài mới xuất bản. Nhưng hiện nay, trên thế giới có sách nào hay trong nước xuất bản ngay. Ấn phẩm được trình bày đẹp, công tác truyền thông tốt, thực hiện đúng chuyện bản quyền và hầu hết có nội dung lành mạnh. Sách được phổ biến qua nhiều kênh phát hành hơn”, ông Thuận dẫn chứng.

Ngoài ra, trong một thập kỷ qua, nhiều sách của các tác giả trẻ đã ghi dấu ấn trong công tác phát hành. Đại diện công ty Phương Nam dẫn chứng trường hợp tác giả trẻ Anh Khang đã tạo nên một cơn sốt trong thị trường sách qua các tác phẩm của mình, nhất là trong hội sách TP.HCM vừa qua.

“Các nhà văn trẻ dưới 30 tuổi viết khá hay, làm truyền thông tốt nên sách bán rất nhanh, chiếm thị phần lớn trong phát hành là điều dễ hiểu”, ông Thuận cho biết.

Chưa thể có nhà xuất bản tư nhân

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng hệ thống phát hành dù phát triển nhưng chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Ở các tỉnh, nhiều công ty phát hành và cả NXB thì khó tồn tại được. Ngoài ra, các sách về lý luận chính trị thì có nội dung không gần gũi với đời sống. Vấn đề các NXB gặp khó khăn trong kinh doanh, hoạt động không có lãi, thậm chí lỗ dẫn đến nợ thuế, nợ tiền thuê nhà đất cũng được bàn luận.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ trình bày ý kiến tại buổi tọa đàm.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ trình bày ý kiến tại buổi tọa đàm.

Tại tòa đàm, chị Phan Thị Mỹ Linh (đại diện Alphabook) đề nghị nên cho các công ty sách tư nhân trở thành NXB. “Như vậy sẽ tạo động lực để công ty phát triển tốt hơn và có thể tham gia đấu thầu các dự án sách của nhà nước”, chị Linh phát biểu. Đồng quan điểm, đại diện công ty Phương Nam góp ý thêm: “Đề nghị nhà nước hỗ trợ mặt bằng để mở nhà sách ở vùng sâu, giảm thuế, phí quảng cáo cho mặt hàng sách”.

Trà lời kiến nghị trên, ông Nguyễn Kiểm (Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam) nói: “Những mong muốn trên đều là chính đáng nhưng trong khuôn khổ pháp luật hiện nay thì vẫn chưa thể thực hiện được. Trong 5 – 10 năm nữa, vẫn không thể xuất hiện NXB tư nhân”.

Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu cũng bàn đến vấn đề cải cách sách giáo khoa. Ông Đỗ Huỳnh Sơn (Giám đốc nhà sách Long Minh) giãi bày: “Hiện nay, mảng sách phổ biến khoa học – kỹ thuật cho thiếu nhi và các em ở lứa tuổi 9 – 15 tuổi là rất ít. Và chúng ta không có khả năng để làm bộ sách giáo khoa tử tế về lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Điều này sẽ khiến học sinh Việt Nam đang bị lạc hậu so với thế giới”.

Theo ông Sơn việc không có đội ngũ biên tập, dịch gia dấn thân làm sách khoa học là nguyên nhân chính khiến loại sách này không được quan tâm.

Ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ nêu đề xuất nên thực hiện một chương trình nhưng nhiều bộ sách giáo khoa và giao cho một vài NXB trọng điểm đầu tư. “Chúng ta cần đầu tư sách có chiến lược, định hướng như trong 5 – 10 năm nữa cần đọc loại sách gì”, ông Nhựt nói.

Một đại biểu khác lại nhấn mạnh vai trò của thư viện cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản, phát hành sách. “Tôi thấy dường như chỉ sách ế thì mới đưa vào thư viện trong khi những sách hấp dẫn, mang tính nghiên cứu, biên khảo thì không nhiều. Đề nghị quốc hội tăng ngân sách cho thư viện để tránh mua sách ế”, vị đại biểu nhấn mạnh.

Tổng kết buổi tọa đàm, ông Nguyễn An Tiêm (Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương) ghi nhận những tín hiệu tích cực  của công tác phát hành, vai trò đối với xuất bản. Ông Tiêm đánh giá cao vị trí của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này. Ông cũng lưu ý các đơn vị tư nhân không nên chỉ tập trung vào lãi mà làm sách một cách dễ dãi, chụp giật, in lậu và đẩy giá thành lên cao.

 

 

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm