Người dân đã bình tĩnh hơn với sự nóng lạnh của vàng. Anh minh họa |
Nhiều nhận định cho rằng, trong cơn biến động giá giá vàng thì các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đang vớ bẫm trên sự bị động của người dân.
Lượng chênh lệch giá nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự điều chỉnh từ phía doanh nghiệp và người dân sẵn sàng bị cuốn theo đà tăng này.
Để kích thích sức cầu những dự đoán tài chính, kinh tế vĩ mô được đưa ra để để thúc đẩy cơ hội kiếm lời trong tương lai. Tuy vậy, nhìn lại diễn biến của những ngày vừa qua cho thấy sự tỉnh táo của dân đầu tư đã đưa thị trường vàng Việt Nam bước qua thời kỳ sơ khai.Trong quá khứ những cơn sốt vàng thường mang đến nhiều bi kịch cho người dân hơn là lợi nhuận thực sự. Bởi những xu hướng đầu tư nhất thời, thiếu kinh nghiệm đã đưa người dân đến với công thức bất dịch “mua giá cao bán giá thấp”.
Nhìn lại cơn cơn sốt vàng năm 2011 để thấy được sự bị động của người dân trước những yếu tố đầu cơ. Giá vàng trong nước khởi động ở mức 35,8 triệu đồng một lượng khi giá thế giới dao động nhẹ quanh 1.370 USD/Ounce vào đầu năm 2011.
Ngay sau khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tăng kỷ lục tới 9,3% vào ngày 11/2/2011 thì cỗ xe giá vàng bắt đầu bứt phá lên mức 36 triệu đồng một lượng, mặc dù giá vàng thế giới không ghi nhận biến động nào đáng kể.
Từ đó cho tới cuối năm, những kỷ lục mới về giá liên tiếp được phá và lập đỉnh 49 triệu đồng một lượng vào ngày 23/8/2011. Giá vàng trong nước nhiều khi còn không tuân theo quy luật của giá thế giới, lúc thì đảo chiều, lúc thì chênh lệch ở mức gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, bi kịch nhất vẫn là việc người dân đổ xô đi mua vào thời điểm giá xác lập kỷ lục và bán ra lúc giá đã xuống thấp.
Giá vàng đột ngột tăng dựng đứng những ngày đầu tháng 7. Đồ họa: Phượng Nguyễn |
Ngoài yếu tố đầu cơ thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đưa ra nhiều thủ tuật tài chính (tăng bán - hạn chế mua) để gia tăng lợi nhuận trong cơn "say giá" của người dân.
Một chuyên gia chứng khoán nhận định: “Việc mải mê chạy theo giá vàng nhưng luôn đi sau một bước đã khiến cho người dân 'vỗ béo' cho doanh nghiệp vàng cũng như giới đầu cơ. Một số ít may mắn thu lợi nhưng phần đa là hụt hơi trong trong trò chơi đuổi bắt”.
Trở lại với diễn biến giá vàng trong những ngày vừa qua, mức chênh lệch cao nhất là khoảng 2 triệu đồng trong mỗi phiên. Đó cũng là mức cao hơn so với giá quốc tế. Tuy nhiên ở lần biến động giá với biên độ rộng này vẫn chưa thấy dấu hiệu nào của một cơn sốt thực sự. Khảo sát thực tế cho thấy việc mua bán vàng vẫn diễn ra bình thường, không tạo thành sóng lớn.
Một doanh nghiệp vàng ở TP HCM cũng cho rằng, số lượng bán ra của toàn hệ thống một ngày khoảng hơn 150 lượng thì chưa đủ để cấu thành một cơn sốt vàng thực sự. Nếu đối chiếu với cơn sốt năm 2011 thì mỗi chi nhánh cũng bán ra trên dưới 10.000 lượng mỗi ngày.
Mỗi thời điểm giá vàng tăng nóng thì thuật ngữ “tâm lý đám đông” lại được sử dụng để mô tả việc thị trường đang lôi cuốn những nhà đầu tư "khù khờ". Nhưng trong giai đoạn biến động giá của những ngày qua, sự bình tĩnh của người dân đang vô hiệu hóa khái niệm trên.
Không còn “phong trào” đuổi bắt giá nên việc làm bùng lên cơn sốt giá sau Brexit cũng không còn nhiều giá trị lợi nhuận cho giới đâu cơ. Có thể thị trường vàng Việt Nam đã qua thời kỳ sơ khai, và người dân đã có kinh nghiệm hơn trong cuộc chơi tài chính.