Khuyến mãi, giảm giá hay là chết?
Đang chiếm tới 40% thị phần truyền hình cáp (THC), nhưng SCTV vẫn liên tục khuyến mãi, giảm giá để mở rộng thị trường ra phía Bắc, nơi mà lâu nay VTVcab và HCATV (Truyền hình cáp Hà Nội) đang chiếm lĩnh.
SCTV giảm giá gói SD xuống còn 65.000 đồng/tháng (108 kênh), và gói HD giảm xuống còn 80.000 đồng/tháng (133 kênh trong đó có 25 kênh HD). Sau khi VTVcab đẩy mạnh quảng bá ở phía Nam, thì việc lấn ra phía bắc của SCTV được xem như là đòn đáp trả mạnh mẽ, khiến cho thị trường THC phía Bắc cạnh tranh sôi động hơn.
Thị trường THTT phía Bắc đang cạnh tranh sôi động trước thời điểm Viettel chính thức gia nhập thị trường. |
Cuộc đấu kim tiền trên thị trường THTT hiện nay dường như có rất ít cơ hội cho những ai yếu thế. Vì thế, HCATV cũng phải cố rượt đuổi theo từ đầu năm tới nay, bằng cách khuyến mãi miễn phí lắp đặt đầu thu thứ nhất cho dịch vụ THC analog và HDTV, miễn phí thuê bao cho các tivi thứ 2 trở đi, tặng thời gian sử dụng cho thuê bao đóng cước nhiều tháng…
Sự ra đòn mới nhất, xuất phát từ một nhà đài cũng “họ hàng” VTV: Từ ngày 8.3, K+ thu gọn từ 3 gói cước Access+, Premium+ và HD+ thành 2 gói Access+ mới có cước thuê bao 85.000 đồng/tháng và PremiumHD+ có mức cước 220.000 đồng/tháng. Theo ông Cao Văn Liết, CEO của K+, cước Access+ mới tăng so với trước vì được tăng cường thêm 9 kênh như HBO, Star Movies, Star Sports, Discovery… Song ngược lại, gói PremiumHD+ thì lại giảm giá, từ mức 270.000 đồng/tháng, tức giảm khoảng 18,5%.
Gánh nặng bản quyền
Bản quyền truyền hình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thế mạnh cạnh tranh, đặc biệt là bản quyền truyền hình bóng đá, nhưng cũng trở thành một gánh nặng nhiều khi quá sức đối với các nhà đài. Điển hình mới nhất là vụ bản quyền World Cup 2014, được MP& Silva hét giá 10 triệu USD, vì thế, phía VTV cho biết không mua vì giá quá cao.
Ông Đỗ Minh Phương, Giám đốc Trung tâm THC Viettel, cũng cho biết là không nhập cuộc mua, vì chưa tìm thấy khả năng tạo ra lợi nhuận từ thương vụ bản quyền World Cup.
Chính từ tình hình trên mà nhiều ý kiến phân tích rằng, K+ sau khi phải gồng mình mua lại bản quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL) với mức giá gần 40 triệu USD, song vừa rồi lại giảm giá cho gói cước PremiumHD+ với thế mạnh các kênh phát trực tiếp những giải bóng đá hấp dẫn như K+1, K+NS, K+PC, K+PM, thì chẳng khác nào tự cắt đi nguồn thu của mình.
K+ đang có hơn 600.000 thuê bao; trong 2 năm 2011-2012, mỗi ngày K+ lỗ bình quân trên dưới 1 tỷ đồng; và theo ông Cao Văn Liết, năm 2013, tình hình kinh doanh của K+ có tốt hơn nhưng vẫn chưa có lãi. Vì thế, việc K+ giảm giá cước và đồng nhất giá cước cho mọi thời hạn thuê bao (thay vì trước đây thuê bao 3 tháng và 6 tháng có mức cước cao hơn từ 6-12% so với thuê bao 12 tháng), cũng hàm chứa một sự rủi ro nhất định.
Chi phí bản quyền truyền hình tại Việt Nam chưa phải là quá cao (chưa quá 15% so với mức 40% của khu vực châu Á), nhưng rõ ràng với thị trường THTT còn thiếu các dịch vụ tiện ích bán kèm, thì nguồn thu nhìn chung vẫn còn hạn chế. Ở một hướng phân tích khác thì động thái giảm giá, khuyến mãi của K+ cũng như của các nhà đài khác được xem là bước đi tất yếu trước khi Viettel gia nhập thị trường THC. SCTV và VTVcab sẽ bị Viettel cạnh tranh trực tiếp với chiến lược giá rẻ.
K+ dù không là đối thủ trực tiếp cùng phân khúc, nhưng cũng cùng tranh trên “chiếc bánh” thị trường THTT nói chung. Phải cạnh tranh với một đối thủ đáng gờm, bước đi “tiên hạ thủ vi cường” cũng là điều cần thiết, song trên thực tế lại tạo ra những cuộc đấu kim tiền và bản quyền nhiều khi chát đắng.