Sự gia tăng nhanh chóng trong số ca Covid-19 ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới châm ngòi nỗi sợ hãi về sự trỗi dậy của đại dịch đã tạo ra cơn sốc làm rung chuyển thị trường chứng khoán giữa lúc chiến chủng Delta siêu lây nhiễm khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo AFP.
Thị trường "đỏ lửa"
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones khép lại ngày giao dịch với mức giảm 726 điểm, tương đương 2,1% - đánh dấu ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020.
S&P 500 giảm 1,6% và Nasdaq Composite giảm 1,1%. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Sự gia tăng các ca mắc Covid-19 dẫn đến lo ngại sẽ tác động đến quá trình phục hồi kinh tế, kéo dài sự gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng các công ty, bất kể quy mô. Tất cả 11 ngành của S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ vào hôm 19/7.
Cổ phiếu năng lượng giảm 3,6%, trong khi chỉ số ngành tài chính và công nghiệp lần lượt hạ 2,8% và 2,1%.
Cổ phiếu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng giảm 0,3%, trong khi đó chỉ số ngành được định hướng tăng trưởng - công nghệ - giảm 1,3%.
Hôm 19/7, giá dầu tăng do lo ngại về khả năng phục hồi sau Covid-19 và ảnh hưởng thỏa thuận giữa các nước sản xuất dầu vào cuối tuần qua nhằm tăng sản lượng từ tháng 8.
Chỉ số dầu thô WTI sau giảm 7,5% ở mức 66,42 USD/thùng. Đây là mức giảm ngày lớn nhất trong hơn một năm qua, xóa sạch tất cả mức tăng trưởng kể từ tháng 5.
Covid-19 trở thành đại dịch của người chưa tiêm chủng tại Mỹ. Ảnh: The Hill. |
Chỉ số Stoxx Europe 600 toàn khu vực của châu Âu đã mất 2,3%, đánh dấu đợt giảm giá trong một ngày lớn nhất trong năm, trong khi chỉ số FTSE 100 của London cũng sụt giảm tương tự.
Covid-19 trỗi dậy ở Mỹ
Trong khi đó, số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng 34% trong hai tuần qua, phần lớn do sự hoành hành của biến chủng Delta, theo New York Times.
Biến chủng Delta đang quét qua Mỹ, nâng số ca mắc trung bình tại nước này lên 30.000 ca mỗi ngày. Số người chết cũng tăng trở lại vào khoảng 240 người mỗi ngày, The Hill đưa tin.
Các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ. Arkansas, Missouri, Florida và Louisiana là 4 tiểu bang có số ca mắc mới tính theo đầu người cao nhất mỗi ngày, theo dữ liệu từ trang Covid Act Now.
Những người chưa được tiêm vaccine phải đối mặt nguy cơ gia tăng trước sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan.
Hôm 16/7, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Rochelle Walensky cho biết 97% bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện chưa được tiêm vaccine.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ gặp phải rào cản khiến hơn 30% người lớn không tiêm bất kỳ mũi nào.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông xã hội và một số phương tiện truyền thông bảo thủ khi đưa tin về tác dụng phụ khiến người dân e ngại không muốn tiêm.
Một cuộc thăm dò của Washington Post - ABC News được công bố vào đầu tháng 7 cho thấy 47% người được hỏi thuộc đảng Cộng hòa nói rằng họ không có ý định tiêm vaccine, so với chỉ 6% người theo đảng Dân chủ.
Trong bối cảnh đó, hôm 18/7, cựu Tổng thống Donald Trump đã xuất hiện để biện minh cho người không tiêm vaccine và đổ lỗi ông Biden.
“Ông ấy đang đi chậm so với kế hoạch và mọi người từ chối sử dụng vaccine vì họ không tin tưởng vào chính quyền của ông ấy. Họ không tin tưởng vào kết quả bầu cử, và chắc chắn họ không tin vào tin tức giả mạo”, ông Trump nói.
Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ là thông qua trường học và yêu cầu của doanh nghiệp với người lao động.
Việc phê duyệt vaccine hoàn toàn từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thay vì chỉ trong trường hợp khẩn cấp, cũng có thể giúp xoa dịu nỗi sợ hãi của một số người.
Chính quyền Biden cũng tăng cường kêu gọi Facebook và các công ty công nghệ khác nỗ lực hơn nữa để chống lại thông tin sai lệch về vaccine trên nền tảng của họ.
“Vaccine là lối thoát duy nhất”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan Preeti Malani nhận định. "Chúng ta không thể sống trong khẩu trang mãi mãi".