Sóng sau xô sóng trước
Nửa cuối năm 2013, thị trường OTT Việt Nam đã chứng kiến 2 “đại gia” OTT châu Á là LINE (Nhật Bản) và Kakao Talk (Hàn Quốc) gần như im hơi lặng tiếng. Zalo tạm vượt mặt 2 đối thủ trong thời điểm đó. Vào đầu năm 2014, giới quan sát đã đưa ra nhận định rằng “Zalo tạm thời thắng ở pha 1, nhưng pha 2, sản phẩm này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức”.
Cuộc chiến OTT vẫn vô cùng khốc liệt. |
Thách thức đó không ai khác chính là Viber, một OTT tốn “zero” chi phí marketing nhưng đã lấy được tới chục triệu người dùng tại Việt Nam. Bước qua năm 2014, BeeTalk - nhãn hiệu được đăng kí ở Singapore nhưng có trụ sở chính ở Thái Lan, thành lập tháng 3/2013 và bắt đầu có các hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam từ quí IV/2013 - đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Tiếp đó vào tháng 4/2014, Bkav lại cho ra mắt sản phẩm OTT Btalk.
Trong khi từ ngày ra mắt đến nay, suốt khoảng 3 tháng rưỡi qua Btalk đang ở trạng thái trầm lắng, thì BeeTalk được cho rằng mới chỉ là âm thầm xâm nhập tại Việt Nam, nhưng trên thực tế họ đã chi phí khá lớn cho các hoạt động marketing tổng hợp như mua các bảng quảng cáo ngoài trời, ở trạm xe bus, thuê đại sứ thương hiệu để quảng bá, thuê người nổi tiếng tạo hình ảnh trên Facebook… BeeTalk và Btalk chính là làn sóng OTT thứ hai tại Việt Nam, sau làn sóng thứ nhất mà đến giờ chỉ còn 2 OTT nổi bật là Zalo và Viber.
Thị trường ngã ngũ hay chưa?
Viber vốn dĩ không làm truyền thông thì gần đây bỗng dưng “nhảy xổ” ra làm các sự kiện online như khuyến mãi mùa World Cup, Mùa hè tím ở Hong Kong. Tuy nhiên, Viber khó có thể thu hút thêm người dùng bằng các sự kiện khuyến mãi như thế, vì phân khúc người dùng của họ không phải là đối tượng dễ bị cuốn theo những loại hình đó. Điểm trừ cho Viber là ngày càng đánh mất cảm tình của người dùng vì quá nhiều tin nhắn rác mà hệ thống này chưa có giải pháp xử lí. Tin nhắn rác là một vấn nạn tại Việt Nam trong những năm qua. Viber chưa xử lí vấn đề này cũng đồng nghĩa là họ chưa thực sự đồng hành với người dùng.
BeeTalk dù đang nỗ lực đổ nhiều kinh phí để thu hút người dùng tại Việt Nam nhưng tới thời điểm này chưa thấy có một kết quả rõ ràng. Trên thực tế, cách làm thị trường của BeeTalk không có gì khác biệt với những gì Zalo, LINE và Kakao Talk đã làm, vì thế không còn mang lại sự tươi mới tại một thị trường đã từng diễn ra cuộc “đại chiến OTT” khốc liệt suốt từ nửa cuối năm 2012 đến nửa đầu năm 2013. Beetalk gần như cầm chắc thất bại trong cuộc chiến giành thị phần ở Việt Nam. Việc đổ tiền thêm ở thời điểm này cũng sẽ không mang lại kết quả khả quan cho OTT này. Trên bảng xếp hạng của các kho ứng dụng, dù rất nỗ lực nhưng Beetalk vẫn không thể nào chen chân vào Top 10 và ngày càng có dấu hiệu tụt hạng thê thảm.
Zalo sau pha 1 thắng lợi lại tỏ ra khá im ắng khi các đối thủ… cũng im ắng. Thế nhưng lượng người dùng mới Zalo vẫn tăng đều đặn cho thấy ứng dụng này vẫn triển khai những hoạt động chiều sâu và đang tính toán hướng đi cho tương lai. Ghi nhận mới nhất là đến cuối tháng 7/2014, Zalo đã đạt mốc 15 triệu người dùng và 185 triệu tin nhắn đi qua hệ thống mỗi ngày. Zalo ít gây phiền cho người dùng như “màu tím rác” Viber, song để bứt phá được hẳn thì Zalo còn phải sáng tạo hơn nữa trong sản phẩm để chinh phục được người dùng ở nhiều phân khúc khác nhau. Theo phía Zalo, trong thời gian tới, ứng dụng này sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào sản phẩm, đặc biệt là phần thoại và tiến tới phát hành phiên bản tiếng Anh.