Một bộ phim tài liệu của Al Jazeera gần đây đã nêu lên tình trạng tham nhũng trong chương trình “đầu tư định cư” của chính phủ Cyprus.
Bộ phim phản ánh việc giới chức đảo quốc phía đông Địa Trung Hải sẵn sàng nhận tiền để cấp quyền công dân cho một doanh nhân Trung Quốc vốn không đủ điều kiện tham gia chương trình đầu tư định cư.
Bộ phim tài liệu nói trên là một đòn chí mạng đối với những cá nhân hoạt động trong ngành dịch vụ buôn bán quốc tịch, Economist nhận định.
Tranh cãi kéo dài
Bất chấp việc nhiều chính trị gia bác bỏ cáo buộc tham nhũng trong quá trình cấp quyền công dân cho người nước ngoài, Cyprus đã tạm dừng chương trình “hộ chiếu vàng” từ ngày 1/11.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã phản đối các kế hoạch cấp quốc tịch cho người nước ngoài - vốn được khởi xướng bởi chính phủ một số nước thành viên khối. Kéo theo đó là cuộc tranh cãi liệu EU có nên can thiệp vào các chương trình loại này không.
Chương trình đầu tư đổi quốc tịch gây nhiều tranh cãi ở châu Âu. Ảnh: Financial Mirror. |
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấp quyền công dân của một quốc gia thuộc thẩm quyền tuyệt đối của chính phủ nước đó.
Mặt khác, theo quy định của EU, khi một cá nhân sở hữu quốc tịch của một nước thuộc khối này đồng nghĩa với việc người đó có quyền sinh sống và làm việc ở toàn bộ các nước thành viên khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp toàn khối.
Nhiều quốc gia EU không hài lòng vì bị ảnh hưởng bởi chính sách cấp quốc tịch của một số nước thành viên. Ảnh: Getty. |
Hiện nay, những người ủng hộ chương trình trao quyền công dân lập luận rằng các lỗ hổng trong quá trình xét duyệt ứng viên chỉ là trường hợp ngoại lệ và chính phủ đang đạt những bước tiến lớn trong việc “siết chặt hệ thống thẩm định”.
Họ cho rằng đại đa số ứng viên xin cấp quyền công dân là những người trung thực, có mong muốn chính đáng về việc đầu tư đổi lấy quốc tịch và quyền cư trú dài hạn.
Tăng trưởng mạnh mùa đại dịch
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu tìm nơi lưu trú an toàn đã thúc đẩy hoạt động mua bán quốc tịch và visa dài hạn.
“Ngành mua bán quốc tịch không chỉ phát triển trong thời kỳ nhiều biến động”, biên tập viên Christian Nesheim của tạp chí Investment Migration Insider cho biết.
Thị trường này đã bùng nổ như một mắt xích trong chuỗi phản ứng đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Tương tự nhiều ngành khác, thị trường mua bán quốc tịch tạm đóng băng trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 mới bùng phát, bởi việc xuất nhập cảnh vào thời điểm đó gần như là không thể, đồng thời chính phủ các nước phải tạm ngừng xử lý thủ tục giấy tờ hành chính.
Tuy nhiên, theo đại diện của hãng Henley & Partners chuyên cung cấp tư vấn định cư, số lượng khách hàng tìm đến dịch vụ của công ty trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 đã “tăng chưa từng thấy”.
Đại dịch thúc đẩy nhu cầu mua quyền cư trú dài hạn tại nước ngoài. Ảnh: Reuters. |
Một số chuyên gia cho rằng người dân ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm virus cao muốn tìm kiếm giải pháp lưu trú an toàn tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, hộ chiếu của công dân của một số nước trở nên “ít quyền lực” vì bị gạch tên khỏi danh sách miễn thị thực với lý do an toàn mùa đại dịch.
Trường hợp điển hình là hộ chiếu Mỹ, vốn từng cho phép người sở hữu nhập cảnh vào 185 quốc gia khác nhau mà không cần thị thực, nay con số đó đã giảm xuống còn 75.
Ngành dịch vụ béo bở
Hiện nay, có gần 100 quốc gia trên khắp thế giới cung cấp chương trình đầu tư định cư, thậm chí bao gồm những nền kinh tế lớn mạnh như Mỹ, Australia, Anh hay New Zealand.
Chỉ khoảng 10 quốc gia cấp quyền công dân, bao gồm Antigua & Barbuda, Dominic, Grenada, St Kitss, St Lucia, Vanuatu, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Áo, Malta và Cyprus (gần đây đã ngừng chương trình “hộ chiếu vàng”).
Hoạt động kinh doanh quyền công dân hoặc cư trú bằng các khoản đầu tư (CBRI) có nguồn gốc từ một đạo luật được thông qua vào năm 1984 ở St Kitts và Nevis.
Giá trị đầu tư tối thiểu để đổi lấy quyền công dân chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia khác nhau. Cần bỏ ra khoảng 2,3 triệu USD để sở hữu quốc tịch Cyprus, trong khi chính phủ Malta chỉ yêu cầu “đóng góp” khoảng 770.000 USD cho quỹ phát triển của nước này, 178.000 USD đầu tư vào trái phiếu chính phủ và mua bất động sản hoặc thuê dài hạn.
Trung Quốc hiện là quốc gia đóng góp lượng khách hàng lớn nhất cho thị trường CBRI. Điểm đến lý tưởng nhất đối với người dân Trung Quốc là Mỹ.
Tuy nhiên, quá trình ứng tuyển thị thực dài hạn “EB-5” thường kéo dài. Do đó, EU là lựa chọn di trú phổ biến thứ hai.
Một trong những lý do người dân Trung Quốc muốn chuyển ra nước ngoài sinh sống nằm ở hệ thống giáo dục. Nhiều bậc cha mẹ ở đất nước tỷ dân không muốn con cái phải trải qua kỳ thi Cao khảo mệt mỏi và khắc nghiệt, đồng thời họ tin rằng việc được đào tạo ở nước ngoài sẽ mở ra những cơ hội tốt hơn cho tương lai của con cái.
Bên cạnh đó, nhiều người Trung Quốc tìm đến giải pháp di trú là bởi họ cảm thấy môi trường ở quê nhà tương đối ngột ngạt, chịu sức ép từ nhiều phía.
Kỳ thi Cao khảo tại Trung Quốc nổi tiếng khắc nghiệt. Ảnh: Getty. |
Giám đốc điều hành Bruno L’ecuyer của Hội đồng Đầu tư Định cư cho biết nhu cầu tìm kiếm giải pháp di trú cũng tăng vọt tại các quốc gia như Ấn Độ và Nga trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Doanh thu và mức độ tăng trưởng của thị trường CBRI luôn nằm ở mức khiến nhiều người ngạc nhiên. Chính phủ Dominica cho biết các khoản đầu tư đổi lấy quyền công dân dự kiến chiếm tới 25% GDP của nước này trong năm 2020.
Nhiều chuyên gia dự đoán khoản lợi nhuận khó cưỡng từ chương trình bán quốc tịch sẽ khiến ngành dịch vụ này tại Cyprus tiếp tục hoạt động trở lại.