Một cửa hàng manga tại Nagoya (Nhật Bản). Ảnh: Asashi. |
Bước vào trạng thái bình thường mới, sau đại dịch Covid-19, doanh thu của manga bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Một số tia hy vọng nhen nhóm như thị trường mới, nền tảng hỗ trợ bán lẻ mới ra đời. Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, các nhà xuất bản tại Nhật và Mỹ đang tiến hành đẩy mạnh phát hành manga trên nền tảng điện tử như website, ứng dụng di động...
Doanh số manga có dấu hiệu chững lại
Sau vài năm tăng trưởng bùng nổ, doanh số bán manga dường như đang chững lại. Masaaki Shimizu, tổng giám đốc nhà xuất bản Square Enix Manga & Books (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) cho biết: “Nhu cầu sử dụng các sản phẩm giải trí của người dân thời kỳ hậu đại dịch dường như hạn chế hơn". Doanh số manga năm 2023 đã giảm 20% trong 10 tuần đầu tiên của năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn với Comix Experience (một công ty phát hành tiểu thuyết đồ họa và manga) tại San Francisco, doanh số bán manga tại thị trường Bắc Mỹ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, so với mức tăng 68,5% vào năm 2021 thì con số này chẳng có nhiều ý nghĩa. Lượng bán ra của các cuốn nằm trong top 10 và top 100 bán chạy giảm lần lượt là 35% và 45%.
Bộ truyện Spy x Family đã được chuyển thể thành anime. Ảnh: Wit Studio. |
Tập mới nhất của Spy x Family, cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ vào đầu tháng 4, theo dữ liệu từ Circana BookScan, với Jujutsu Kaisen Vol. 19 hiện còn ở vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng lượng bản đã bán.
Leyla Aker, giám đốc xuất bản tại Penguin Random House Publisher Services, nhận định: “Chúng tôi bắt đầu thấy thị trường quay trở lại bình thường. Câu hỏi hiện nay cần đặt ra là liệu doanh số bán hàng sẽ duy trì ở mức cao như bây giờ hay liệu chúng sẽ giảm dần theo chu kỳ như nhiều thời điểm trước đây”.
Một số thị trường như Bắc Mỹ và các nước châu Âu thường có những đợt doanh số thể loại manga giảm mạnh theo chu kỳ. Điều này gây ra mối lo ngại đối với các nhà xuất bản và đơn vị phân phối. Tuy nhiên, chưa có kế hoạch ứng phó nào cho các đợt tăng trưởng "bong bóng" này được đưa ra.
Những tia hy vọng mới
Nếu tại Mỹ, doanh thu manga đang đối mặt với sự tăng trưởng "bong bóng" trong thời kỳ hậu đại dịch, một số thị trường trẻ hơn bắt đầu vươn lên. Qua quá trình khảo sát, các nhà phát hành nhận thấy doanh thu manga tại thị trường Pháp có sự mở rộng đáng kể.
Bộ truyện Jujutsu Kaisen đang được bán chạy tại các nhà sách. Ảnh: PW. |
Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK Market Intelligence và Liên hoan truyện tranh quốc tế Angouleme, doanh số bán manga của Pháp, vào năm 2022 đạt 381 triệu euro (khoảng 417 triệu USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại). Hơn 47 triệu bản manga đã được bán ở Pháp, cao hơn gấp đôi so với kỷ lục 22 triệu bản của nước này được thiết lập vào năm 2020. Tổng doanh số bán truyện tranh ở Pháp đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua. Ngày nay, cứ bảy cuốn sách được bán ở Pháp thì có một cuốn là truyện tranh.
Nobuhiko Muranaka, giám đốc xuất bản Square Enix, cho biết các nhà xuất bản truyện tranh Nhật Bản nên thử thách bản thân để mở rộng doanh số bán bản dịch của họ. Nhiều nhà phát hành tại những thị trường sôi động như Pháp nói riêng và châu Âu nói chung muốn tiếp cận manga của Nhật Bản. Bất kể bản in hay bản kỹ thuật số, manga của Nhật vẫn là một sản phẩm được người tiêu dùng hướng đến.
Ivan Salazar, giám đốc tiếp thị cấp cao của Kodansha USA cho biết: "Các kênh bán manga ngày càng mở rộng, từ trực tuyến cho đến trực tiếp. Chuỗi siêu thị Target, Walmart cũng đang tham gia vào thị trường này".
Kat Sarfas, giám đốc hạng mục manga tại Barnes & Noble cho rằng Manga đã phát triển từ một hạng mục nhỏ thành một trong những hạng mục hàng đầu của nhà sách. Sự nổi tiếng của manga không chỉ là một xu hướng nhất thời. Dù cơn sốt manga đã lắng xuống, Barnes & Noble vẫn tiếp tục tập trung vào việc khai thác các bản thảo tốt nhất để gửi đến độc giả.
Bên cạnh Pháp, những dấu hiệu tăng trưởng của manga còn tới từ các thị trường Philippines, Trung Đông và đảo Guam.
Nhiều hãng manga chuyển sang khai thác không gian kỹ thuật số
Trong nhiều năm nay, các nhà xuất bản của Nhật đã tăng cường phát hành nhiều đầu sách bằng tiếng Anh hơn thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Ngoài ứng dụng K Manga của Kodansha, dự kiến ra mắt vào tháng 5/2023, một số ứng dụng khác đã ra mắt vào năm 2022, bao gồm Manga Up! của Square Enix! và Manga Plaza của NTT Solmare.
Một số nhà xuất bản như Animate International, Kadokawa Digi-Pub và Shu-Cream cũng mở rộng dịch vụ sách điện tử trực tiếp đến người tiêu dùng của họ.
Một cậu bé 5 tuổi đọc manga tại ngày hội Free Comic Book. Ảnh: Yatta Tachi. |
Xuất bản điện tử có thể đem lại lợi nhuận cao hơn bởi cắt bỏ các chi phí như in ấn, vận chuyển và phân phối. Đối với độc giả trẻ hiện nay, các tác phẩm manga, webtoons và light novel ở định dạng số không còn quá xa lạ. Các nhà xuất bản còn có thể rút ngắn được khâu ra mắt, một cuốn truyện có thể chuyển ngữ rất nhanh phát hành cùng ngày với thị trường gốc.
Tại Nhật Bản, doanh số bán truyện tranh bản điện tử hiện chiếm hơn 66,2% lượng truyện được bán. Các thể loại được nhiều độc giả hướng đến là shojo (lãng mạn), boy love và kinh dị. Một số ứng dụng chuyển thành thư viện, kiếm tiền qua các lượt mượn -trả. Một số khác đã xây dựng thành công uy tín trong lòng độc giả và được độc quyền khai thác các bản thảo.
Vấn đề lớn nhất của việc xuất bản manga phiên bản điện tử là kiểm soát chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là loại bỏ những nội dung tục tĩu. Sự bùng nổ của các tác phẩm manga đòi hỏi người cung cấp phần mềm phải có chính sách quản lý nội dung sát sao, hợp lý.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.