Theo nhiều nhà vườn, không chỉ cá nhân mà nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp từ Hà Nội, cũng có xu hướng tìm thuê mai chơi tết thay vì bỏ tiền ra mua đứt cây mai ưng ý như mọi năm.
Mai giảo Tân Châu, mai 36 cánh được ưa chuộng
Không tập trung trồng mai giảo Thủ Đức như mọi năm, ông Lê Ngọc Hưng (chủ vườn mai Hưng Phát, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) cho biết trong 1.000 chậu mai năm nay tại vườn nhà ông ngoài 400 chậu mai giảo Thủ Đức, còn có 40 cây mai giống giảo 36 cánh quý hiếm và gần 500 mai giảo Tân Châu. Theo ông Hưng, khoảng hai năm trở lại đây giống mai giảo Tân Châu (có nguồn gốc từ miền Tây Nam bộ) ngày càng được ưa chuộng dù cánh ít nhưng hoa lớn, có mùi thơm, vài bông là thấy cây mai vàng rực. Trong khi đó, mai giảo 36 cánh với 36 cánh hoa dễ ghép, dễ sống hơn giống Thủ Đức nên dễ phát triển số lượng lớn, giá lại thấp hơn mai giảo Thủ Đức 10-20%.
Những cây mai trung bình, có giá vừa phải như thế này được người chơi năm nay ưa chuộng hơn mọi năm - Ảnh: N.Trí |
Với hơn 300 cây mai ghép, ông Nguyễn Thanh Hòa (P.An Phú Đông, Q.12) cho biết đã cho lai tạo nhiều giống mới, đặc biệt lai tạo thành công mai giảo Thủ Đức với nhiều giống khác. Năm nay ngoài giảo Thủ Đức, lần đầu tiên ông sẽ cho ra thêm bốn giống khác là giảo gai, Tân Châu, An Giang và giảo đất. Những đại gia mai ghép tại Thủ Đức như Năm Đông, Ba Sơn... cho biết bên cạnh mai giảo Thủ Đức, năm nay cũng cho ra nhiều giống khác với số lượng lớn hơn mọi năm như giảo Tân Châu, An Giang và các giống miền Trung như mai Huế, Bình Định...
Dù khẳng định mai giảo Thủ Đức vẫn được thị trường ưa chuộng nhờ vào màu sắc vàng rực và để được lâu trong điều kiện thiếu ánh sáng nhưng theo ông Phạm Văn Nghiệp - chủ nhiệm câu lạc bộ hoa mai - cây kiểng Tây Quý Tây (Bình Chánh), vài năm gần đây giống mai giảo Thủ Đức qua nhiều đời đã bị suy, đòi hỏi phải có nhiều loại mai khác ra đời. “Hiện câu lạc bộ có gần 20 thành viên với 5.000 cây mai ghép, năm nay sẽ cho ra khoảng tám giống mai, trong đó có nhiều giống mới nhập về như giảo Huế, Indo...” - ông Nghiệp nói.
Thuê nhiều hơn mua
Sở hữu hơn 500 cây mai ghép, năm nay ông Đặng Minh Hồng Phong, giám đốc Công ty Hai Tuấn (TP.HCM), dự định cho thuê khoảng 80% số lượng mai, tăng hơn năm ngoái 30%, với giá bình quân 5-7 triệu đồng/cây. Theo ông Phong, hiện lượng khách đặt mai thuê đã nhiều hơn hẳn mọi năm. Với dịch vụ này, cả nhà vườn và người thuê đều có lợi. Thay vì bỏ một khoản tiền lớn mua cây mai, sau đó gửi lại nhà vườn chăm sóc với giá khoảng 30% giá thành cây mai, người chơi mai có thể thuê cây mai với giá chỉ bằng một nửa giá mua và năm sau có thể chọn cây mai khác.
“Trong khi đó sau khi cho thuê mai một vài năm vừa thu được tiền, giá trị cây mai lại tăng qua từng năm. Sau 4-5 năm, nhà vườn có thể bán đứt với số tiền cao hơn” - ông Phong nói. Tương tự, Công ty chuyên cho thuê mai Lộc Xanh (Q.Thủ Đức) cho biết hiện 150 cây mai ghép của công ty đã có chủ, nhưng nhiều khách hàng vẫn tới hỏi thuê. Tính ra công ty chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Với hơn 300 cây mai ghép lâu năm, cơ sở cho thuê mai ghép Hoài An (P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) đang tất bật vệ sinh nốt những cây còn lại để khách hàng chọn thuê. Theo chủ cơ sở này, nếu năm ngoái thời điểm này chỉ khoảng 60% số cây mai có khách đặt thì năm nay 90% đã có người thuê. Ông Lê Hoàng Minh Phụng, chủ vườn mai Gò Cát (P.Phú Hữu, Q.9), cho biết lượng khách Hà Nội thuê mai tăng mạnh, chỉ riêng vườn nhà ông đến nay đã có 150 khách Hà Nội đặt thuê. Cũng theo ông Phụng, hiện hơn 40% trong 2.500 gốc mai trong vườn nhà ông đã có khách thuê, tăng hơn 20% so với năm trước.