Ngày 5/9, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định gây sốc. Đó là cắt giảm sản lượng vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn.
Cụ thể, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10.
Giá dầu Brent tăng vọt sau tuyên bố của OPEC+ rồi điều chỉnh giảm về hơn 95 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics. |
Quyết định gây chấn động
Tháng trước, OPEC+ đồng ý tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tuy nhiên, đây là một mức tăng tương đối nhỏ. Nhóm này đã phớt lờ lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm tới Saudi Arabia.
Mức tăng của OPEC+ trong tháng 9 thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng hơn 600.000 thùng vào tháng 7 và tháng 8.
Giá dầu thế giới đã tăng vọt sau thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có lúc áp sát ngưỡng 97 USD/thùng, rồi giảm về 95,2 USD/thùng, tăng 2,298 USD/thùng, tương đương 2,47% so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ vọt lên hơn 90 USD/thùng rồi giảm về 88,7 USD/thùng.
Như vậy, dù động thái của OPEC+ có thể đe dọa nguồn cung toàn cầu, đà tăng của giá dầu vẫn không duy trì lâu.
Sau quyết định gây sốc của OPEC+, giá dầu WTI chuẩn Mỹ có lúc vượt ngưỡng tâm lý 90 USD/thùng. Ảnh: Trading Economics. |
Giá dầu đã giảm khoảng 25% kể từ đầu tháng 6 sau khi chạm mức cao kỷ lục trong nhiều năm vào tháng 3. Nguyên nhân là lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đè nặng lên triển vọng nhu cầu. Ngoài ra, sức mạnh của đồng USD tăng lên đã làm giảm sức hút của các thị trường hàng hóa.
Trước đó, Saudi Arabia cũng cảnh báo OPEC+ có thể giảm sản lượng để kìm hãm đà giảm mạnh của giá dầu. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng "biến động và thanh khoản thấp" đã gửi đi tín hiệu sai lệch về tình trạng khan hiếm nguồn cung vật chất hiện tại.
Ông khẳng định với cơ chế hiện tại, OPEC+ "có sự cam kết, linh hoạt và công cụ để giải quyết mọi thách thức, kể cả giảm sản lượng bất cứ lúc nào".
Vào giữa tháng 8, OPEC đã điều chỉnh giảm dự báo đối với nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng, tổ chức này dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân được nhóm đưa ra là tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Đây là lần hạ dự báo thứ 3 của OPEC kể từ tháng 4 tới nay.
Giai đoạn nhạy cảm của thị trường dầu
Thông báo của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng. Các quốc gia ở châu Âu đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt khi mùa đông tới gần.
Trong khi đó, thị trường vẫn theo dõi sát sao diễn biến của thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu thỏa thuận được nối lại, dòng chảy dầu của Iran sẽ chảy vào thị trường dầu toàn cầu nhiều hơn.
Hôm 5/9, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã vọt lên 25%, sau khi tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố dừng vô thời hạn dòng chảy khí đốt chính sang châu Âu.
Gazprom cho biết không thể khởi động lại dòng chảy một cách an toàn cho đến khi khắc phục sự cố rò rỉ dầu trong một tuabin quan trọng.
Tuần trước, dòng chảy khí đốt từ Nga sang các quốc gia châu Âu đã bị ngưng tạm thời để bảo trì. Theo kế hoạch, Nord Stream 1 sẽ được hoạt động trở lại vào ngày 3/9.
Thông báo của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây leo thang nghiêm trọng. Ảnh: Reuters. |
Động thái mới nhất từ phía Moscow làm dấy lên lo ngại rằng khu vực đồng euro sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi mùa đông sắp tới.
"Quyết định của Gazprom trong việc đình chỉ vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp châu Âu. Động thái này giáng đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế vốn đang chao đảo của khối này, nhất là khi mùa đông sắp đến", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - trả lời Zing.
"Mây đen đang phủ bóng lên nền kinh tế châu Âu trong những tháng tới. Bởi rất có khả năng Nga sẽ không mở lại Nord Stream 1 trong tương lai gần", vị chuyên gia nói thêm.
Động thái của Gazprom diễn ra chỉ vài giờ sau khi các nước G7 nhất trí về kế hoạch ấn định mức giá trần đối với dầu của Nga. Động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow để phản đối cuộc chiến ở Ukraine.