Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vì sao thị trường chuyển nhượng không còn bom tấn?

Kỳ chuyển nhượng hè 2024 chỉ còn vài ngày nữa sẽ khép lại. Tới nay, chưa có những bản hợp đồng nào đáng gọi là bom tấn. Thực tế đó phản ảnh một thị trường ảm đạm so với năm trước.

Nguyên nhân nào khiến thị trường ảm đạm? Có lẽ các chuyên gia bất động sản có thể giải thích hiện tượng này, dù không phải người am tường bóng đá. Thị trường bong bóng cầu thủ bị thổi phồng quá mức thời gian trước có vẻ đến chu kỳ và chuyển sang đóng băng.

Không còn nguồn tiền bơm từ dầu mỏ

Những năm trước, thị trường cầu thủ bị thao túng dẫn đến lạm phát giá. Các ông chủ Ả Rập - khi chuyển sang đầu tư cho Manchester City và PSG - từng có thời tiêu tiền không chớp mắt.

Tiền của họ thẩm thấu giúp nâng nền giá trị cầu thủ lên rất cao. Dòng tiền này giúp các CLB khác có tiền để mua cầu thủ, khuấy động thị trường.

Chẳng hạn khi PSG chi 222 triệu euro để mua Neymar từ Barcelona, đội bóng xứ Catalonia lập tức bạo chi với phi vụ chiêu mộ Philippe Coutinho từ Liverpool. Việc nâng giá cầu thủ tạo ra mặt bằng chuyển nhượng mới khi các CLB tự tin hơn khi hét giá cầu thủ. Mỗi lần chuyển nhượng như vậy, lương cầu thủ tăng lên, từ đó tạo ra nền lương mới đẩy gánh nặng tài chính cho CLB nhiều hơn.

Nhưng giới chủ Ả Rập không thể đầu tư mãi khi không thấy khả quan. PSG sau nhiều năm bỏ tiền tấn thì nay khá thờ ơ với chuyển nhượng. Các ông chủ Qatar sau khi bỏ rất nhiều tiền mà không mua được lòng trung thành của Kylian Mbappe cũng thấy ngán ngẩm.

Họ chưa hề kích hoạt bom tấn chuyển nhượng nào về thay vị trí Mbappe mà dùng người cũ. Bản hợp đồng lớn nhất của PSG mùa này là tiền vệ Joao Neves với giá chưa tới 60 triệu euro.

Luật Công bằng Tài chính cũng là thứ khiến các đội bóng lớn cảm thấy bất an. Nguy hiểm hơn, giới chủ Ả Rập cảm thấy bị đe dọa với những xáo trộn chính trị ở châu Âu. Man City đang ở đỉnh cao phong độ nhưng có thể xuống hạng bất kỳ lúc nào khi bị phán vi phạm luật chơi.

Do vậy, có thể thấy dòng tiền từ Ả Rập rót sang cho bóng đá châu Âu không phải cắt giảm trong hè này, mà từ những mùa trước. Dòng tiền đó thay vì chạy sang châu Âu thì được giữ lại để nuôi dưỡng Saudi Pro League, giúp các CLB trong nước trả lương cho Cristiano Ronaldo, Neymar, Karim Benzema…

Thi truong chuyen nhuong anh 1

Bản hợp đồng đắt giá nhất hè này là Man City bán Julian Alvarez cho Atletico Madrid với giá 75 triệu euro

Chúng ta có thể thấy tư duy của giới chủ Ả Rập qua cách tiêu tiền của Man City mùa này. Gã nhà giàu đốt tiền một thời giờ thành một con buôn lọc lõi. Hè này, Man City chẳng những không bỏ nhiều tiền để mua ai, mà còn kiếm được gần 150 triệu euro từ tiền bán cầu thủ.

Những CLB từng bỏ tiền khuấy thị trường cầu thủ giờ đã nằm im, dẫn đến dòng tiền làm nóng mùa chuyển nhượng bị đóng băng. Tất nhiên, vẫn còn dòng tiền được giới chủ Chelsea chi tiêu vô tội vạ, Man Utd vẫn tiếp tục nhắm mắt đầu tư và cả hiện tượng bung két từ Atletico, tuy nhiên không đủ để tạo ra không khí vui tươi tràn ngập sắc xanh giao dịch.

Không có hàng chất lượng

Một điều quan trọng khiến thị trường chuyển nhượng ảm đạm là không có cầu thủ chất lượng. Euro 2024 được kỳ vọng sẽ giới thiệu những sản phẩm mới nhưng không có ai thật sự bắt mắt. Một kỳ Euro chen chúc các vua phá lưới, tuy nhiên không ai ghi quá 3 bàn.

Cầu thủ được hưởng lợi nhất sau Euro 2024 là Dani Olmo cũng chỉ được Barcelona mua với giá 55 triệu euro từ Leipzig. Vì ban lãnh đạo CLB xứ Catalonia muốn mua lại cầu thủ cũ của họ để phục vụ mục tiêu nhiệm kỳ, nên mới trả mức giá như vậy. Bằng không, chẳng đội nào ra quyết định với Olmo nhanh như thế.

Thi truong chuyen nhuong anh 2

Bản hợp đồng mua Olmo phản ánh sức khỏe tài chính kiệt quệ của Barcelona

Và điều cơ bản nữa khiến giá chuyển nhượng không còn cao ngất là do các cầu thủ giờ rất khôn ngoan. Họ không còn ký hợp đồng dài hạn ở thời đỉnh cao, mà chỉ ký 2-3 năm để chờ chuyển sang CLB khác, theo đó nhận mức lương cao, lót tay mạnh hơn.

Do vậy, thay vì tiền rơi vào túi CLB từ bán cầu thủ bằng phí chuyển nhượng thì giờ rơi vào túi cầu thủ bằng tiền lương, các khoản thưởng. Do vậy, dù giá cầu thủ có vẻ đi ngang hay xuống dốc, nhưng gánh nặng cho các CLB khi mua cầu thủ cũng không hề giảm.

Nếu nghĩ rằng lương không tốn, hãy nhìn Barcelona đang vật lộn, tính từng đồng trong quỹ lương để đăng ký tân binh Olmo mà không có số áo.

Cuốn tự truyện “Basta: My Life, My Truth” xuất bản năm 2019 của kể lại sự nghiệp Marco van Basten dưới góc nhìn thứ nhất. Huyền thoại người Hà Lan khép lại sự nghiệp ở tuổi 28 khi dính chấn thương mắt cá.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm