Thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu ghi nhận những tín hiệu lạc quan trong quý II. Ảnh: Việt Linh. |
Kể từ giữa tháng 5 đến nay, anh Tuấn Huy, môi giới viên ở Hà Nội, luôn trong trạng thái tất bật từ sáng tới tối. Mỗi ngày, trung bình anh Huy đưa 5-6 vị khách đi xem căn hộ chung cư. Tuy nhiên, dù lượng người xem nhà đông là vậy, anh Huy mới bán được một căn hộ nhỏ ở quận Hoàng Mai.
“Họ đi xem căn hộ để thám thính tình hình là chính. Dẫu vậy, việc khách hàng quan tâm nhiều hơn tới bất động sản là một tin mừng. So với đầu năm, nhiều hôm công ty tôi còn không đón tiếp bất cứ vị khách nào”, anh Huy bộc bạch.
Khách mua chung cư vẫn thấp
Theo báo cáo của Batdongsan, chung cư đã vượt đất nền, chứng khoán, USD, vàng và tiền gửi ngân hàng để trở thành kênh đầu tư có tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận (tốc độ tăng giá cộng lợi suất cho thuê) nhanh và ổn định nhất trong 9 năm qua.
Do đó, khi thị trường bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc nhất định, người mua và nhà đầu tư đã quay trở lại quan tâm nhiều hơn tới phân khúc chung cư. Trong báo cáo quý II của Cushman & Wakefield, thị trường căn hộ Hà Nội có tới 2.100 căn giao dịch thành công, tăng 50% so với quý trước nhưng vẫn giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là quận Nam Từ Liêm, vốn là điểm hội tụ của rất nhiều dự án chung cư đa dạng. Ảnh: Việt Linh. |
Đáng chú ý, các dự án ghi nhận lượng tiêu thụ lớn ở khu vực ngoại vi. Tuy nhiên, tình hình nguồn cung vẫn chưa được cải thiện do các dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Thị trường căn hộ chỉ ghi nhận gần 1.680 căn mở bán, giảm 17% so với quý trước và giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, phân khúc trung cấp chiếm khoảng 84% trong số nguồn cung mới chào bán. Hầu hết sản phẩm mới nằm tại khu vực phía tây Hà Nội và từ giai đoạn mở bán tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Những dự án mở bán mới mà báo cáo ghi nhận gồm Moonlight 1 Symphony (huyện Hoài Đức) và Capital Elite (quận Nam Từ Liêm).
Giá bán trung bình căn hộ Hà Nội trong quý II đạt 2.026 USD/m2, tăng 6% so với quý trước và tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Những dự án tăng giá chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp đến từ khu vực phía tây Hà Nội, bao gồm quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm.
Nhà đất vẫn có sức hút riêng
“Hiện có rất nhiều người đã xuống tiền mua bất động sản vì họ nhận thấy thị trường đang quay trở lại chu kỳ 2011-2013. Trong đó, nhà đất vẫn là phân khúc được những người dư giả nhắm đến nhiều nhất", ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, chia sẻ.
Lượng giao dịch nhà liền thổ trong quý II vẫn chưa thể bắt kịp so với mức cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Việt Linh. |
Sức nóng của nhà đất đã được nhen nhóm trong quý II. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, thị trường này đang từng bước có giao dịch trở lại với 48 căn được giao dịch thành công, tăng 37% so với quý trước nhưng vẫn giảm 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ ở sức cầu, nguồn cung nhà đất cũng có tín hiệu lạc quan. Trong quý I, Hà Nội không có thêm dự án nhà liền thổ mới. Tuy nhiên, bước sang quý II, nguồn cung đã được cải thiện với 102 căn được mở bán. Dẫu vậy, con số này vẫn giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung trong quý II chủ yếu đến từ giai đoạn mở bán tiếp theo của dự án HUD Mê Linh Central (huyện Mê Linh) và lượng hàng mở bán mới đến từ dự án Rue De Charme (quận Thanh Xuân).
Về giá bán, đa số chủ đầu tư vẫn giữ nguyên giá nhưng đồng thời cũng đưa ra các chính sách bán hàng ưu đãi theo tiến độ thanh toán.
Tuy nhiên, việc khan hiếm dự án cao cấp và sự đóng góp của các sản phẩm mới nằm ở khu vực vùng ven Hà Nội có mức giá thấp hơn đã kéo giá sơ cấp trung bình nhà liền thổ toàn thị trường còn 4.150 USD/m2, giảm 44% so với quý trước và giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.