Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường bánh kẹo về tay doanh nghiệp ngoại

Với thuế suất còn 0%, nhiều mặt hàng bánh kẹo từ các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan... đã đổ về các chợ, tiệm tạp hóa ở TP HCM.

Bánh kẹo các nước ASEAN đã bắt đầu xuất hiện nhiều tại hệ thống bán lẻ TP HCM từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể thấy bánh kẹo Thái Lan, Indonesia hay Malaysia phủ sóng từ chợ, siêu thị đến các cửa hàng tạp hóa, với mật độ dày đặc.

Hàng ngoại khắp các kệ

Ghi nhận tại rất nhiều chợ, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP HCM, nhiều mặt hàng bánh kẹo có xuất xứ từ Indonesia, Thái Lan xuất hiện nhan nhản.

Chị Thu Hà, tiểu thương tại chợ Rạch Ông (quận 8), cho biết chỉ trong 1-2 năm gần đây hàng ngoại về tăng gấp 2-3 lần so với trước.

"Dù giá có loại cao hơn hàng trong nước nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng chọn mua, do mẫu mã khá bắt mắt", chị Hà nói.

Doanh thu 40.000 tỷ đồng

Với doanh thu ngành bánh kẹo Việt Nam năm 2014 tăng trưởng 10,65% so với năm 2013, đạt 27.000 tỷ đồng, và được dự báo đạt khoảng 40.000 tỷ đồng vào năm 2018 với sản lượng ước hơn 200.000 tấn. Thị trường bánh kẹo Việt Nam quá béo bở cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. 

Chỉ một gian hàng nhỏ chưa tới 15 m2 tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), nhưng sạp hàng của chị Thu vẫn trưng bày được tới vài chục mặt hàng bánh kẹo, chưa kể rất nhiều hàng khác.

Bắt mắt nhất trên kệ hàng là các loại kẹo hay bánh từ Thái Lan, Malaysia, được nhập về. Như: kẹo ngọt Jinny 52.000 đồng/lốc, bán lẻ 5.000 đồng/ống; bánh khoai tây xắt lát mỏng của Malaysia giá 28.000 đồng/hộp; bánh bông lan bắp 62.000 đồng/hộp...

Điều dễ nhận thấy là thay vì thiết kế kiểu hộp vuông truyền thống, các loại bánh nhập có đủ loại hình thù từ ống nhỏ, ống dài, hình tròn với màu sắc bắt mắt. Các loại bánh kẹo dành cho trẻ em được phủ màu, có vị ngọt ngon khá hấp dẫn.

Đếm sơ sơ cũng có thể thấy 10-15 loại bánh kẹo ngoại xuất hiện trên kệ của chị Thu, phần lớn xuất xứ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. "Đủ loại bánh ngọt, bông lan, kẹo viên, snack... cho mọi thành phần", chị Thu giới thiệu.

Tương tự, tại cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Hai Bà Trưng (quận1), bánh bông lan Richy xuất xứ Malaysia có giá 46.000 đồng/hộp, mặt hàng rong biển đóng gói nhãn hiệu Cậu Chủ Nhỏ (xuất xứ Thái Lan) có giá 40.000 - 67.000 đồng/hộp chưa tới 100gr…cũng được giới thiệu rất nhiều.

Riêng bánh cookie vô cùng đa dạng, từ bánh ngũ cốc, bánh quy nhân kem, bánh quy phủ đường đến bánh quy sôcôla... giá khá mềm 11.000 - 35.000 đồng/gói. Chị Phương Nhi (đường Trần Đình Xu, quận1) cho biết, thỉnh thoảng vẫn đi mua các mặt hàng bánh kẹo hay hàng tiêu dùng nhập khẩu.

Chị cho hay: “Ngoài hàng bình dân thì hàng xịn nhập từ Thái Lan giá đôi khi có mắc hơn chút xíu nhưng vị ngon đặc trưng, không quá ngọt, quá béo, nên cũng dễ ăn hơn so với một số loại bánh kẹo trong nước”. 

Bánh kẹo các nước ASEAN xuất hiện ngày càng nhiều trên quầy kệ các cửa hàng, siêu thị (ảnh chụp tại một cửa hàng bánh kẹo trên đường Nguyễn Kiệm).

Bánh kẹo các nước ASEAN xuất hiện ngày càng nhiều trên quầy kệ các cửa hàng, siêu thị (ảnh chụp tại một cửa hàng bánh kẹo trên đường Nguyễn Kiệm).

Tuy nhiên, làm mưa làm gió phải kể đến một thương hiệu bánh xốp vị phô mai của Indonesia. Kể từ khi ra mắt tại thị trường Việt Nam vào tháng 5/2011, chỉ trong một thời gian ngắn, các loại bánh thương hiệu này đã phủ sóng khắp các tiệm tạp hóa, cửa hàng lưu động trước cổng trường học, trên kệ siêu thị… thậm chí còn xuất hiện trong các giỏ quà Tết. 

“Ăn đứt” khâu tiếp thị bán hàng

Theo chị Thu, các nhãn hiệu bánh, kẹo Thái Lan, Indonesia hay Malaysia không chi tiền quầy kệ cho sạp thường xuyên, nhưng họ chi rất mạnh tay vào các đợt khuyến mãi. "Cứ trưng bày hai sản phẩm thì được tặng một sản phẩm, thậm chí có loại cứ trưng bày một thì được tặng một hộp, sạp nào dám từ chối?", chị Hà khoe. 

Hết đợt này thì họ cho biết sắp có đợt mới. Cứ thế hàng hóa xuất hiện đều đặn, liên tục trên kệ, cứ như vậy độ phủ tăng càng mạnh khiến hàng ngoại đang ngày càng cạnh tranh dữ dội với hàng trong nước.

"Nếu so về mức độ, hàng trong nước vẫn áp đảo, nhưng giờ hàng ngoại tăng nhiều", một tiểu thương chợ Rạch Ông (quận 8) cho biết. Bên cạnh đó, theo chị Thu, họ giải quyết khiếu nại hay chiết khấu đối với tiểu thương rất nhanh khiến người bán thích.

"Khuyến mãi hay trưng bày họ ký hợp đồng đàng hoàng, chiết khấu thường xuyên, trong khi nhiều 'anh' trong nước chiết khấu rất ít, thậm chí chẳng có", chị Thu nói.

Đại diện Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên cho biết, Thái Lan được xem là vương quốc bánh kẹo ở Đông Nam Á. Doanh nghiệp Thái Lan rất chuyên nghiệp không chỉ trong phát triển sản phẩm, phân phối và xuất khẩu sang Việt Nam, mà đón đầu thị hiếu rất nhanh. 

Bánh kẹo nội co cụm

Theo các chuyên gia, năm 2015, sức ép thị trường bánh kẹo nội sẽ tiếp tục gia tăng, do thuế nhập khẩu đối với các loại bánh kẹo từ thị trường ASEAN về Việt Nam còn 0%.

Thương vụ bán mảng bánh kẹo của Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelèz International (Mỹ) trị giá 370 triệu USD, đã khiến cán cân bánh kẹo nội và ngoại phải sắp xếp lại, khi đây là một trong những nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam.

Một thị trường đầy tiềm năng và luôn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt nhưng lại đang bị các doanh nghiệp nước ngoài đe dọa “nuốt chửng”, thông qua các vụ mua bán, sáp nhập đã báo động phần nào sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Thực tế sau khi bỏ thuế, chênh lệch giá giữa bánh kẹo trong nước và hàng ASEAN còn khoảng 10 -15%, giá hàng nhập vẫn nhỉnh hơn. Nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa thể kéo giảm thêm giá thành, do đầu vào còn lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn phải mua đường với giá cao, vì chính sách bảo hộ đường trong nước, trong khi doanh nghiệp các nước đang hưởng lợi thế về nguyên liệu đầu vào. Đến nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang nhập dầu, bơ từ Malaysia, đường từ Thái Lan để có giá tốt.

Giá đường trong nước đang cao hơn giá đường Thái Lan 1.000-4.000 đồng/kg tùy thời điểm. Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nước ngoài làm tính cạnh tranh hàng trong nước giảm đi khá nhiều. 

Ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Bibica, thừa nhận không đợi đến khi thuế nhập khẩu các mặt hàng bánh kẹo về 0% từ đầu năm 2015, thì thị trường bánh kẹo trong nước mới bị ảnh hưởng.

Từ nhiều năm nay, khi thuế suất còn 5%, bánh kẹo ASEAN đã vào thăm dò và lập hệ thống phân phối ở Việt khá dày đặc. Hàng nhập khẩu còn "phủ sóng" qua các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị ngoại... nên có nhiều lợi thế trong tiếp cận người tiêu dùng.

Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng có chuẩn bị cho thời điểm này, vì có bỏ thuế hay không thì cạnh tranh trên thị trường vẫn được quyết định bằng chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những gì đang diễn ra thì cơ cấu thị phần sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Biết làm, vẫn cạnh tranh tốt

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, với các cam kết hiện nay, một số nguyên vật liệu thuế suất 0%, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng xuất sang các nước trong khu vực, thông qua việc sử dụng đầu vào sản xuất có xuất xứ từ ASEAN, để hưởng ưu đãi thuế quan.

“Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động học hỏi thế mạnh của hàng ngoại, để không bị lạc hậu, giậm chân tại chỗ, chú trọng công tác nghiên cứu và phát triển. Không cần phải đầu tư máy móc mới để sản xuất sản phẩm mới, mà làm sao tối ưu hóa máy móc thiết bị đang có, tạo ra giá thành cạnh tranh nhưng vẫn ổn định chất lượng sản phẩm”, ông Thành nói. 


Hàng ngoại tràn ngập thị trường: Mừng hay lo?

Nếu như trước đây, chỉ có số ít cửa hàng bán đồ xách tay từ nước ngoài, thì hiện nay, sản phẩm ngoại nhập tràn ngập thị trường Việt Nam.


http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150420/thi-truong-banh-keo-ve-tay-doanh-nghiep-ngoai/736301.html

Theo N.Bình - T.V.N. - D.Tuấn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm