Vị trí địa lý hoàn hảo khiến thị trấn ven biển Shah Porir Dwip, Bangladesh, trở thành nơi xuất phát của những chuyến tàu chở người nhập cư mà Liên Hợp Quốc gọi là “quan tài nổi”. Trong quá khứ, những người Rohingya của Myanmar phải vượt qua đoạn sông rộng gần 2 km để tới được lãnh thổ Bangladesh, nơi họ sống vất vưởng trong hơn 2 thập niên qua. |
Cuộc sống nghèo khổ và những bất công khiến nhiều người Rohingya chọn cách rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Nó gây ra cuộc khủng hoảng người nhập cư trái phép và biến thị trấn Shah Porir Dwip trở thành mảnh đất màu mỡ của những kẻ buôn người. |
Có khoảng 32.000 người tị nạn Rohingya đăng ký sống tại Bangladesh và 300.000 người không đăng ký. Trong suốt 23 năm qua, họ sống như những người không quốc tịch. Nơi ở của cộng đồng người này là những khu trại bẩn thỉu, thiếu thốn. Họ là lực lượng nhân công lớn cho các công việc bất hợp pháp và trở thành nạn nhân của các hoạt động buôn người. |
Từ năm 2000, người ta đã phát hiện ra tuyến đường chuyên chở người nhập cư trái phép vào Malaysia. Đến năm 2014, mạng lưới này đã phát triển rất lớn, với ít nhất 600 kẻ buôn lậu và 1.600 tên cấp thấp hơn. Nạn nhân của các hoạt động này là những người Rohingya khốn khổ. Đích đến của những đoàn tàu chở người nhập cư là Thái Lan, Malaysia và các nước Đông Nam Á khác. |
Ban đầu, người nhập cư được đưa tới vùng đất mới để làm việc như nô lệ trong những hầm muối hay các tàu đánh cá. Càng về sau, các hoạt động này càng trở lên quy mô. Trong suốt nhiều năm, thế giới hoàn toàn không quan tâm tới các đường dây buôn người này. Chúng chỉ thu hút sự chú ý vào đầu năm nay, khi cảnh sát phát hiện hàng trăm ngôi mộ gần biên giới Thái Lan và Malaysia. |
Điều tra của cảnh sát cho biết, những người nhập cư bị lạm dụng, bị bỏ đói trong khi những kẻ buôn người đòi khoản tiền chuộc tới 3.000 USD từ người nhà của họ. Những người bỏ mạng trong các trại sẽ được chôn cất tạm bợ ở những khu rừng gần đó. Tuy nhiên, tại Bangladesh, những người Rohingya cũng phải sống trong cảnh bị kỳ thị. |
Người di cư được đưa tới các nước Đông Nam Á trên những con tàu ọp ẹp. Tàu chật tới mức họ chỉ có thể ngồi một chỗ trong suốt hành trình. Thức ăn và nước uống luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Những “cỗ quan tài nổi” này gần như không thể chống chọi với sóng to gió lớn ngoài đại dương, nơi những kẻ buôn người sẵn sàng bỏ tàu để thoát thân khi sự cố xảy ra. Trong khi đó, tại Shah Porir Dwip, người nhập cư thường phải mưu sinh bằng công việc nặng nhọc, dơ bẩn với đồng lương rẻ mạt. |
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết, 25.000 người di cư đã tới Vịnh Belgal trong 3 tháng đầu năm, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 và 2014. Có khoảng 25 chiếc tàu được sử dụng để đưa người nhập cư rời Shah Porir Dwip. Cảnh sát Bangladesh bắt đầu truy quét những kẻ buôn người tại Shah Porir Dwip nhưng các đối tượng bị bắt giữ đa phần là người nghèo, làm thuê trong các đường dây. Giữa tháng, cảnh sát đã bắn chết Dholu Hossain, kẻ được mô tả là "bố già" trong giới buôn người ở Shah Porir Dwip. |