Những ngày gần đây, người dân bến đò Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) xôn xao về chuyện phát hiện thi thể khác thường trôi dạt vào bờ sông cách bến đò khoảng 500 m và được cơ quan chức năng xác định là nạn nhân vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
Dù có kinh nghiệm sông nước hơn 20 năm nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, người làm nghề vạn chài ở thôn Trung Quang vẫn còn ngạc nhiên khi kể về lần vớt xác này.
Theo kinh nghiệm cá nhân của ông, đây là trường hợp đặc biệt, hy hữu chưa từng thấy. "Một thi thể không có đầu, không còn bàn tay, bàn chân nhưng chưa phân hủy hết sau 9 tháng và vẫn nổi lên", ông Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng bến đò Băn Đức kể về kinh nghiệm vớt thi thể trôi sông. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Rồi ông Hùng giải thích, đối với người chết chìm thì khoảng 3 ngày sẽ tự nổi nhưng cũng có nhiều thi thể chìm mắc dưới lòng sông hàng tháng trời mới trồi lên. Ví dụ, năm ngoái, sau khi việc rà móc câu, phân chia khu vực để tìm thi thể một người đàn ông đều thất bại, đội thợ lặn phải xuống tìm ở quanh các hố cát mới thấy xác nạn nhân.
Thi thể người này cũng chưa phân hủy hẳn, tuy nhiên, khoảng thời gian từ lúc người này mất tích đến khi tìm thấy chỉ một tháng chứ không lâu tới 9 tháng như trường hợp của chị Huyền trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường.
Theo lý giải của người dân làng chài, rất có thể khi mới chìm xuống sông, bị vùi lấp dưới hố cát nên thi thể chị Huyền không bị phân hủy. Đến khi có dòng nước đánh bạt các lớp cát thì xác tự nổi lên.
Ngoài ra, những thi thể bị chìm dưới đáy cũng được cho là sẽ kéo dài thời gian phân hủy. Thi thể có thể nguyên vẹn trong thời gian dài. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Cường (đội 3, thôn Trung Quang) cho hay, do nhiệt độ dưới đáy thấp hơn nhiều nên quá trình phân hủy diễn ra chậm hơn.
Hầu hết thi thể người gặp nạn sông nước đều nổi chỉ tron vài ngày. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Với những người dân chài, việc phát hiện và vớt xác trôi sông cũng là chuyện như cơm bữa. Có thi thể tự trôi vào gần bờ, có thi thể mắc vào lưới khi đánh bắt cá. Tuy nhiên, tất cả đều có đặc điểm chung là đã nổi thì sẽ phân hủy trong thời gian rất ngắn. Một số người hay ăn sâm hoặc uống nhiều thuốc bổ thì quá trình phân hủy cũng lâu hơn.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng bến đò Văn Đức cũng chia sẻ, tại bến đò này thường xuyên phát hiện thi thể người gặp nạn sông nước nhưng thi thể đều đang phân hủy, nặng mùi nên người dân ít người dám lại gần vớt.
Đối với những ai không phải dân chài lưới vô tình phát hiện thi thể người trôi sông cần thật bình tĩnh tìm cách đẩy, kéo thi thể vào bờ hoặc nơi nước sông không thể cuốn trôi được, sau đó báo chính quyền địa phương.
Với những gia đình gặp phải tai ương, thì việc thân nhân dán tờ rơi tại các bến đò rất hiệu quả trong quá trình phát hiện và nhận dạng. Đa phần, người thân nhận dạng qua ngoại hình thi thể là quần áo, mũ và một số đặc điểm trên cơ thể. Đối với các trường hợp không có quần áo hoặc thi thể từ nơi xa đến chưa rõ danh tính thì do chính quyền địa phương xử lý.