Các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mọc lên với đầy đủ các danh xưng. Sau mỗi cuộc thi lại có thêm nhiều tên các hoa hậu, á hậu... nhưng gần như không mấy ai nhớ chính xác tên các cô và danh hiệu mà họ đạt được.
Mới đây, vụ scandal của cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp đã làm rúng động dư luận vì một thí sinh trong cuộc thi ném danh hiệu mình giành được vào sọt rác. Câu hỏi đặt ra: thí sinh là người thẳng thắn trong việc phản đối cuộc thi “ao làng” hay ban tổ chức cần xem lại về tính chuyên nghiệp cùa mình.
Cuộc thi thiếu minh bạch và chuyên nghiệp
Có vẻ cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam đã có những “hạt sạn” từ khâu tổ chức, nên đến cả ban giám khảo trong cuộc thi cũng phải lên tiếng thể hiện bức xúc.
NSƯT Hồng Liên, 1 trong 7 giám khảo của cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam bày tỏ những ý kiến không hài lòng về những mặt trái của chương trình này: "Tôi vốn là người sống đơn giản nên khi anh Phạm Tuân - Trưởng ban tổ chức gọi điện và chat mời nói đây là cuộc thi nhan sắc do một tạp chí tổ chức nên không nghi ngờ gì. Đến hôm chung kết mới ngã ngửa ra cách thức tổ chức lôm côm, thiếu chuyên nghiệp. Vì chót nhận lời rồi nên khi đến cuộc thi tôi cũng nghĩ thôi mình cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy nhiên, sau phần thi ứng xử, họ không hề có cuộc họp kín của ban giám khảo như nhiều cuộc thi nhan sắc mà tôi từng được biết”.
Từng làm ban giám khảo cho các chương trình khác cùng đơn vị tổ chức này, Giám đốc Venus miền Bắc siêu mẫu Hạ Vy cũng kể câu chuyện về Miss Ha Noi Model mà trước đây cô “cầm cân nảy mực”. Khi nhận thấy cách làm việc của đơn vị này không minh bạch, dàn xếp lộ liễu, siêu mẫu đã từ chối tiếp tục làm giám khảo và bỏ về ngay khi cuộc thi vẫn đang diễn ra.
Cô chia sẻ nhiều bức xúc: “Mình định không lên tiếng nhưg mình cũng là nạn nhân giống chị Hồng Liên. Cái gì mà cuộc thi chứ? Nói thật nó còn không có cái gì có thể gọi là một show diễn chứ đừng nói là cuộc thi! Chỉ mong Sở VH TT DL và Cục NTBD sẽ sớm vào cuộc để dẹp vấn nạn này càng sớm càng tốt, vì nó là một cạm bẫy để lừa gạt những cô gái trẻ mong muốn mình nổi tiếng qua các cuộc thi. Nhưng các em ơi! Hãy tìm hiểu kỹ xem mình đang đi thi cái gì nhé! Đừng để chui đầu vào rồi mới ngã ngửa mà nhận ra thì quá muộn rồi!”.
Theo quan điểm của cô, một chương trình chưa qua kiểm duyệt và có vấn đề từ ban tổ chức thì không phải là nơi xứng đáng để các cô gái đặt niềm tin vào giấc mơ hoa hậu.
Thí sinh ứng xử thiếu văn hóa với danh hiệu
Tính chuyên nghiệp của cuộc thi có lẽ cần xét lại từ khâu tuyển chọn thí sinh. Việc chọn lựa người đẹp không quá khó, nhưng chọn được người có phẩm chất phù hợp để đại diện cho sắc đẹp là điều cần quan tâm kỹ lưỡng nhất.
Hẳn ban tổ chức cuộc thi không ngờ được có thí sinh mạnh bạo đến mức ném luôn danh hiệu của mình vào sọt rác. Đó là trường hợp thí sinh Trần Ngọc Bích - thí sinh giành giải Người đẹp hình thể trong cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam.
Cô cho rằng vẻ đẹp hình thể của cô là điều hiển nhiên không cần công nhận nữa và bày tỏ nghi ngờ về việc mua bán giải trong cuộc thi: "Nếu là em, em cũng không bỏ ra một đống tiền để mua hư danh về làm gì" và cho rằng cuộc thi này là “ao làng”.
Hành động kém duyên này đã nhận không ít những chỉ trích từ công chúng khi cho rằng cô đã hành xử một cách thiếu văn hóa.
Độc giả Phạm Trần Quốc Linh cho hay: “Nếu biết là cuộc thi ao làng thì đi thi lảm gì. Nhảm nhí, nếu đẹp thì đi thi Hoa hậu Việt Nam đi”.
Hành động được cho rằng phản cảm và thiếu văn hóa của người đẹp |
Trên một số diễn đàn cũng cho rằng hành động của thí sinh này rất bản năng, nóng nảy, thiếu kiềm chế, và chính cô không xứng đáng cho bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào. Cũng có những ý kiến cho rằng cô quá tự tin vào nhan sắc của mình và thiếu nhận thức thực tế.
Thực hư thế nào những người trong cuộc rõ nhất nhưng nếu một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức trung thực và nghiêm chỉnh, sẽ không có những sự cố nghiêm trọng đến vậy. Và bản thân thí sinh cũng là người chưa nhận thức đúng đắn để chọn lựa cho mình sân chơi để tham gia.