Ba ngày sau đêm thi chung kết, video Hương Ly, Lệ Nam lắp bắp khi thuyết trình bằng tiếng Anh vẫn được chia sẻ rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội cùng nhiều bình luận mang tính chế giễu, miệt thị.
"Đã nói dở còn thích thể hiện", "Không biết ngoại ngữ thì đừng cố bập bẹ", "Thi hoa hậu ở Việt Nam, tại sao phải nói tiếng Anh", "Đua đòi nói tiếng Anh", "Nghe không hiểu gì"... là những bình luận thường gặp bên dưới các bài đăng.
Có ý kiến cho rằng format mới của Miss Universe Vietnam 2022 tự đưa thí sinh vào thế khó, vô tình biến một số cô gái trở thành trò cười. Số khác thắc mắc liệu thí sinh hoa hậu có bắt buộc phải biết tiếng Anh hay không.
"Cuộc thi hoa hậu không tìm thạc sĩ tiếng Anh"
Có thể nói Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia đầu tiên có màn thí sinh thuyết trình song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) ngay trên sân khấu trực tiếp. Trong tổng số 5 lần tổ chức, đây cũng là mùa đầu tiên đơn vị này đưa ra sự thay đổi format rõ nét và khác biệt nhất.
Từ vòng thuyết trình ngắn của top 16 cho đến ứng xử top 5, top 3, thí sinh đều được quyền lựa chọn nói song ngữ hoặc chỉ thể hiện bằng tiếng Việt. Trong top 16, khoảng 2-3 ứng viên chọn không nói tiếng Anh. Trong top 5, Hoàng Phương là thí sinh duy nhất chỉ trả lời bằng tiếng Việt.
Kết quả chung cuộc, Ngọc Châu đăng quang hoa hậu. Lê Thảo Nhi và Thủy Tiên lần lượt là Á hậu 1 và Á hậu 2.
Trao đổi với Zing, chuyên gia Phúc Nguyễn đánh giá cao sự thay đổi này. Ông cho rằng đây là điều nên được khuyến khích ở các cuộc thi hoa hậu trong nước.
"Thông thường, với mỗi cuộc thi tại Việt Nam, ban tổ chức có những cách riêng để kiểm tra khả năng tiếng Anh của thí sinh, có thể qua giao tiếp hoặc phỏng vấn kín. Lần này, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tiên phong, đưa lên sân khấu trực tiếp, trước hàng nghìn khán giả. Tất nhiên phần này không bắt buộc, các thí sinh vẫn được quyền lựa chọn", Phúc Nguyễn nói.
Hương Ly thi ứng xử top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. |
Đối với những tranh luận trái chiều liên quan đến phần thi của top 16, cụ thể là Nam Em và Hương Ly, Phúc Nguyễn cho rằng chế giễu, miệt thị người khác - không riêng gì thí sinh hoa hậu - nói tiếng Anh là hành động chưa tích cực. Theo nhận định của ông, khi đứng trên sân khấu lớn, áp lực tăng gấp đôi, gấp ba.
"Các bạn dám lựa chọn nói tiếng Anh đã là dũng cảm. Khán giả có thể góp ý, đánh giá nhưng đừng cười cợt. Ở đây, chúng ta không tìm kiếm thạc sĩ hay cử nhân tiếng Anh. Hoa hậu không phải cuộc thi tiếng Anh. Điều thử thách các bạn chính là bản lĩnh sân khấu, cách truyền tải thông điệp qua ngôn ngữ. Có những bạn bình thường nói tốt nhưng lên sân khấu lại bị mất bình tĩnh, dẫn đến rối. Như tôi đã nói từ đầu, kết quả đến từ sự cộng hưởng, cả yếu tố cần và đủ, chứ không chỉ vài chục giây nói tiếng Anh", chuyên gia nhấn mạnh.
Trước câu hỏi liệu sự cố tiếng Anh ở Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 có khiến các cuộc thi trong nước khác e ngại, không dám mạo hiểm mang thử thách tiếng Anh lên sân khấu trực tiếp, Phúc Nguyễn bày tỏ: "Tôi nghĩ mỗi cuộc thi có tiêu chí riêng. Ban tổ chức biết rõ nhất cần làm gì để tìm được một đại diện xứng đáng. Ý kiến đóng góp nào hợp lý chúng ta vẫn nên tiếp thu để làm tốt và chỉn chu hơn".
Theo ông, luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực của một vấn đề. Các cuộc thi không nên chỉ vì khía cạnh tiêu cực mà che giấu đi những điểm chưa tốt, chưa hoàn thiện.
Không bắt buộc nhưng là điều kiện cần
Chưa một tổ chức hoa hậu quốc tế nào - từ Miss Universe, Miss World, Miss International cho đến Miss Earth - công bố tiêu chí thí sinh phải thông thạo tiếng Anh. Còn nhớ, vào năm 2018, tại Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ), người đẹp Mỹ Sarah Rose Summer từng bị chỉ trích dữ dội khi có ý chê bai khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của đại diện Việt Nam H'Hen Niê và thí sinh Campuchia.
Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn đảm nhận vai trò cố vấn Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. |
Trong video trò chuyện, Sarah Rose Summer nói H'Hen Niê "giả vờ biết tiếng Anh" và đại diện Campuchia "đáng thương" vì không biết tiếng Anh. Hoa hậu Mỹ sau đó giải thích nhiều lần rằng cô không có ác ý, song vẫn khó thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Cuối cùng, Sarah Rose Summer phải công khai xin lỗi H'Hen Niê cũng như thí sinh Campuchia.
Nhìn từ vụ việc này, rõ ràng tiếng Anh không phải tiêu chí bắt buộc. Mỗi ứng viên hoàn toàn được phép sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ tại một cuộc thi. Ở vòng phỏng vấn kín hoặc ứng xử, ban tổ chức luôn có phiên dịch để hỗ trợ thí sinh.
Nhưng không bắt buộc không có nghĩa là không cần thiết. Theo Phúc Nguyễn, trình độ tiếng Anh là điều kiện cần đối với một thí sinh hoa hậu, đặc biệt trong trường hợp tìm kiếm đại diện thi quốc tế.
"Với quan điểm cá nhân của tôi, sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, tiếng Anh rất quan trọng. Nếu bạn không thể nói, giao tiếp tiếng Anh thành thạo, ai sẽ hiểu được bạn muốn truyền tải điều gì. Đương nhiên, khi phỏng vấn bạn có thể sử dụng phiên dịch. Nhưng trong suốt hành trình cuộc thi, bạn làm cách nào để thể hiện bản thân?".
Phúc Nguyễn lấy ví dụ những người đẹp Việt đạt thành tích cao khi thi quốc tế như Thúy Vân (Á hậu 3 Miss International 2015), Thùy Tiên (Miss Grand International 2021) hay Phương Khánh (Miss Earth 2018) đều thành thạo ngoại ngữ. Trên sân khấu chung kết, họ tự tin thuyết trình, trả lời ứng xử bằng tiếng Anh.
"Tất nhiên tiếng Anh phải đi kèm với trình độ, bao gồm kiến thức và kỹ năng. Kỹ năng ở đây là bản lĩnh sân khấu, trình diễn trước ống kính... Đó là những yếu tố cộng hưởng để làm nên thành công của một cô gái ở đấu trường sắc đẹp", đại diện đơn vị nắm bản quyền cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022 khẳng định.
Nếu quan sát một số cuộc thi hoa hậu hiện nay ở các quốc gia châu Á như Thái Lan hay Philippines, có thể thấy nhiều thí sinh cũng lựa chọn thuyết trình bằng tiếng Anh, bên cạnh tiếng mẹ đẻ, để thuyết phục giám khảo rằng họ xứng đáng đại diện quốc gia bước ra thế giới.
Biết nhiều ngôn ngữ, ứng biến linh hoạt trong từng tình huống chắc chắn là lợi thế của một ứng viên hoa hậu ở đấu trường quốc tế. Còn ở chiều ngược lại đồng nghĩa họ đang tự thu hẹp cơ hội của chính mình.