Cụ thể, công tác thí điểm được thực hiện tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở các tỉnh, TP đông khách du lịch, cụ thể là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.
Chính phủ sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những địa phương này, từ đó xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm để nhân rộng ra các tỉnh, TP khác.
Thủ tướng cho phép thí điểm kéo dài dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau tại một số tỉnh, TP. Ảnh: Chí Hùng. |
Bên cạnh đó, đề án còn đưa ra 3 nhóm giải pháp khác, gồm nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển và kiểm soát rủi ro; và sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ mới, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm đưa vào phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể.
Các chương trình, kế hoạch cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động tích cực và tiêu cực đến địa phương dựa trên nhu cầu và khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương.
Việc phát triển kinh tế ban đêm được cho là nhằm mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.