Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhân viên nhiều hơn khách ở phố Tây

Quán cà phê 2 tầng chỉ phục vụ 1 vị khách, khách sạn 50 phòng chỉ đạt công suất 20%. Những khu phố nhiều người nước ngoài sinh sống lâu năm tại TP.HCM nay ảm đạm hơn bao giờ hết.

22h30, chị Liễu - quản lý 2 quán bar Monaco trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) - thong thả ngồi chơi game trong tiếng huyên náo của khu phố Tây. Chị cho biết quán lớn, mở lâu năm thì lượng khách đã dần ổn định, còn quán nhỏ vừa khai trương hồi tháng 1 hầu như không có khách.

"Hiện tại là giờ cao điểm, lẽ ra khách qua lại tấp nập, chen chân không có chỗ đi, nhưng bây giờ đường rộng thênh thang, khách chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định. Trước đây chúng tôi xếp 3 dãy bàn ghế trước quán mới đủ phục vụ khách, giờ chỉ 1 dãy mà vẫn không có ai ngồi", chị Liễu kể.

Khách nước ngoài giảm, hàng quán loay hoay tìm khách Việt

Chị cho biết, tình hình thường khả quan hơn vào các buổi tối cuối tuần, nhưng nếu so với giai đoạn trước dịch bệnh thì vẫn giảm khoảng 60%. Đồng thời, khách vào quán cũng thắt chặt chi tiêu.

"Người dân và khách du lịch chủ yếu chỉ tham quan Bùi Viện, thi thoảng có người vào gọi 1-2 chai bia, không còn ngồi chơi đến 1-2 h sáng như trước đây", chị nói.

Đại diện một khách sạn khoảng 50 phòng gần đó cũng cho biết đang giảm 50% giá phòng nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 20-30%. "Trước đây lượng khách nước ngoài rất lớn, ngày nào cũng đông, khách không đặt trước sẽ không có phòng. Bây giờ chỉ trông chờ khách các tỉnh khác đến TP.HCM công tác hoặc du lịch", vị này chia sẻ.

hang quan vang khach o pho tay anh 1

Một quán bar ở Bùi Viện không có khách vào thời điểm 22h30. Ảnh: Chí Hùng.

Các khu vực nhiều người nước ngoài sinh sống lâu năm như Thảo Điền (quận 2), Hậu Giang - Thăng Long (quận Tân Bình), Phú Mỹ Hưng (quận 7), hẻm 15A - 15B Lê Thánh Tôn (quận 1) cũng rơi vào tình trạng này.

Khảo sát của Zing với một số siêu thị mini, tạp hóa, quán ăn ở những khu vực này cho thấy lượng khách nhìn chung giảm khoảng 50% so với trước dịch Covid-19. Lý giải về tình trạng này, chị Thoa - chủ quán thịt nướng tại phố Hàn trên đường Hậu Giang cho hay đa số người Hàn Quốc khu vực này đã về nước, số còn lại cũng hạn chế ra ngoài và chi tiêu.

"Lượng hàng quán vẫn vậy, còn lượng khách thì bớt hẳn, vậy nên các tối trong tuần rất vắng, chỉ đến cuối tuần thi thoảng có khách người Việt mới đỡ hơn", chị Thoa cho biết.

Tuy nhiên, thực tế, trừ khu phố Hàn ở quận Tân Bình này, những khu vực còn lại thường tách biệt với không gian sống của người Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa, dịch vụ, món ăn tại đây chủ yếu là đặc sản ở nước ngoài, với mức giá khá cao. Do đó, lượng khách Việt Nam tìm đến không nhiều.

hang quan vang khach o pho tay anh 2

Một quán ăn trong hẻm Lê Thánh Tôn vắng khách lúc 20h15 - giờ cao điểm thông thường của quán. Ảnh: Chí Hùng.

Quản lý một quán thịt nướng trong khu Phú Mỹ Hưng thừa nhận phải bổ sung thực đơn và thay đổi cách chế biến để phù hợp khẩu vị người Việt.

Trong khi đó, anh Trung - chủ nhà hàng Mutsumian ở hẻm 15A Lê Thánh Tôn, một trong số ít địa điểm đã phục hồi kinh doanh trong khu phố Nhật, cho biết giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng thân thiết và triển khai giao hàng tận nơi cho những người ngại ra ngoài ăn. Từ đó, anh tiếp cận được nhiều khách Việt là bạn bè, đối tác của những khách hàng thân thiết này.

Dẫu vậy, nhận định hoạt động kinh doanh của các khu vực này, anh khẳng định "tình hình chung hiện nay là nhân viên nhiều hơn khách hàng".

Người sốt sắng trả mặt bằng, người hào hứng thuê mới

Chia sẻ với Zing, chị Liễu cho hay quán bar chỉ có thể duy trì được thêm 3 tháng nếu tình hình kinh doanh không khởi sắc hơn. Tuy nhiên, với nhiều đơn vị kinh doanh khác, họ chỉ cố gắng cầm cự đến khi tìm được người thuê lại mặt bằng.

Làn sóng trả mặt bằng xuất hiện nhiều nhất ở khu vực Phú Mỹ Hưng và Lê Thánh Tôn (quận 1). Tại phố Hàn quận 7, không khó để bắt gặp cảnh những mặt bằng bỏ trống lâu ngày với bảng quảng cáo rao thuê dán chằng chịt.

Trước thời điểm dịch bệnh, đây là một trong những vị trí được săn đón bậc nhất ở TP.HCM, với giá thuê dao động 4.000-15.000 USD/tháng. Riêng một số mặt bằng nhỏ lẻ, những căn bị khuất hoặc nằm gần khu chung cư Sky Garden có thể có giá “mềm” hơn ở mức 3.000 USD/tháng.

Tuy nhiên, hiện nay, dù các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê 10-20%, khu vực này vẫn hầu như không có khách thuê mới trong nhiều tháng qua.

"Thông thường, thời điểm trước dịch bệnh, chủ kinh doanh muốn thuê cửa hàng tại đây phải xếp hàng 1-2 tháng mới có mặt bằng trống. Chưa khi nào tình trạng tìm khách thuê lại trở nên khó khăn như vậy, thị trường có rất ít giao dịch”, anh Trần Công Hưng, một môi giới nhà đất chia sẻ.

hang quan vang khach o pho tay anh 3

Bảng cho thuê dán chằng chịt ở một mặt bằng trên đường Lê Thánh Tôn. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, cách đây 2 tháng, nhiều đơn vị kinh doanh tại phố Nhật Lê Thánh Tôn cũng bắt đầu trả mặt bằng và sang nhượng hàng quán hàng loạt, sau gần nửa năm không có nguồn thu. Đáng chú ý, những mặt bằng này vẫn có khách thuê mới. Tuy nhiên, họ chủ yếu tranh thủ giai đoạn này để lấy mặt bằng đẹp giá hời, còn thực tế nhiều nơi chưa mở cửa kinh doanh, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Chia sẻ với Zing, anh Trung hào hứng kể về mặt bằng mới được sang nhượng hồi tháng 6. Đây là một nhà hàng mới hoạt động 3 tháng ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn, ngay bên ngoài khu phố Nhật. Tổng chi phí sang nhượng khoảng 25.000 USD, trong đó 2.000 USD là tiền đặt cọc, còn lại là phí nhượng nội thất, dụng cụ hoàn toàn mới.

"Giá rẻ như cho, chứ trước đây có thể phải mất tổng cộng khoảng 2,2 tỷ đồng", anh đánh giá. Sau 6 năm kinh doanh tại khu vực này, anh cho biết giá thuê các địa điểm ở mặt tiền Lê Thánh Tôn trước đây khoảng 7.000-15.000 USD/tháng, còn sâu trong hẻm khoảng từ 3.000 USD tùy vị trí và diện tích.

Anh Trung xác định trong nhiều tháng sắp tới sẽ lấy lợi nhuận từ nhà hàng Mutsumian để bù lỗ cho nhà hàng mới. Tuy nhiên, đối với anh, hiện tại vẫn là thời điểm vàng để đầu tư mặt bằng kinh doanh, bởi giá thuê, giá sang nhượng, giá nội thất... đều đang giảm mạnh.

Phố Nhật đìu hiu chưa từng thấy

Nhiều tháng nay, khu phố ẩm thực và phong cách sống Nhật Bản trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 (TP.HCM) trở nên đìu hiu vì vắng khách. Hàng loạt cửa hiệu đã ngừng hoạt động.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm