Tác giả của cuốn sách mới ra mắt "Nhìn, hỏi rồi nhảy đi" chia sẻ chị tin vào tầm quan trọng của việc thấu hiểu bản thân mình.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra vào một buổi trưa vội khi Thi Anh Đào ra Hà Nội để ra mắt cuốn sách Nhìn, hỏi rồi nhảy đi. Ấn tượng về người phụ nữ này luôn là sự thông minh, hấp dẫn và tràn đầy cảm hứng.
Giờ đây, Thi Anh Đào được nhiều người biết đến hơn với những thành tựu nổi bật không chỉ ở Việt Nam mà còn là trên phạm vi khu vực. Nhưng để đạt được những điều bao người ngưỡng mộ, một từ "thành công" không thể diễn tả trọn vẹn cả một hành trình.
- Tại sao lại là "Nhìn, hỏi và nhảy đi"?
- Khi làm cuốn sách này tôi có rất nhiều kỷ niệm, một trong số đó chính là việc đặt tựa. Chúng tôi, đặc biệt là bản thân tôi đã nghĩ ra rất nhiều ý tưởng nhưng không có lựa chọn nào khiến mình thấy "đã" hết.
Có thể bạn đọc nhìn thấy tựa và chẳng hiểu cuốn sách này nói về điều gì, nhưng nó thể hiện hoàn toàn khớp với tinh thần của cuốn sách. Việc đầu tiên là bạn phải Nhìn, phải quan sát những thứ xung quanh mình.
Tiếp đó bạn bắt đầu tự Hỏi: "Thành công đối với mình là gì? Nó có giống với thành công mà mọi người thường nói không?", "Cơ hội của mình ở đâu? Làm sao để nắm được nó"...
Xương sống của toàn bộ cuốn sách này là những câu hỏi. Để rồi trong quá trình tìm ra câu trả lời, bạn đồng thời thấu suốt được bản thân. Và sau đó bạn tạo được cú Nhảy, ghi dấu ấn khác biệt cho chính mình.
Chỉ khi nào bạn biết được thực sự mình giỏi điều gì và mình muốn gì thì bạn mới có thể bảo vệ được những điều mình đã chọn và thuyết phục những người xung quanh tin vào nó.
Mọi người hay hỏi tôi về câu chuyện thành công, điều đó cũng tốt thôi, có thể truyền cảm hứng. Nhưng thực sự thì, người thành công cũng là những người bình thường, chỉ là ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ phải đưa ra một lựa chọn khác biệt. Đôi khi là vì họ không có lựa chọn nào tốt hơn, họ phải đi tới. Và ai thì cũng có lúc mỏi mệt, muốn bỏ cuộc, cũng rất bình thường, rất con người thôi.
Có bạn trẻ nói với tôi "Em không thông minh như chị", "Em sao mà làm được như chị"... Nhưng khi làm việc cùng các bạn tôi thấy rằng "Các bạn hoàn toàn có thể làm được mà. Thậm chí là làm tốt. Chỉ có điều các bạn chưa bỏ công sức xứng đáng thôi". Mỗi người đều có những tiềm năng, hãy khám phá và đầu tư cho nó.
- Chị khẳng định việc hiểu rõ bản thân và cảm xúc của mình là rất quan trọng. Làm sao để đạt được điều đó?
- Mọi người hay nói là nên đọc nhiều, ngay cả bản thân tôi cũng đọc kha khá sách, đặc biệt là sách tâm lý. Nhưng điều quan trọng nhất là khi mình đối diện với bất cứ điều gì, đọc bất cứ thứ gì thì mình nên “soi mình hay soi người ta”.
Trước đây tôi cũng là một người tự tin thái quá, ai đó nói gì mình không có nghe, và luôn thể hiện mọi thứ ra mặt. Nhưng có một người đã nói với tôi là “Cách mà mình nhìn nhận, đối xử, từng câu mình nói với một ai đó biểu đạt con người mình chứ không thể hiện người kia.” Cho nên cách tốt nhất chính là tự mình quan sát mình thôi.
Bằng cách này hay cách khác, mình tự soi chiếu mình trong những hành động hàng ngày, những gì mình làm, những điều mình nói. Bản thân tôi cũng đâu phải là một người hoàn hảo, cũng có khi nói ra rồi mới biết là mình bị hớ. Nhưng lời đã nói thì đâu có thay đổi được. Có điều mình vẫn sẽ biết là mình sai và sau đó sẽ rút kinh nghiệm và sửa. Đó mới là điều quan trọng.
- Khi thành lập công ty tư vấn quảng cáo trực tuyến, chị đã tìm thấy đam mê của mình chưa? Trong rất nhiều con đường, chị lại lựa chọn việc khởi sự và làm chủ một doanh nghiệp, vì sao vậy?
- Đó là con đường phù hợp duy nhất đối với tôi lúc đó. Tôi lập ra Emerald vào thời điểm sau khi ba mất. Khi đó, cuộc sống của tôi đã xáo trộn rất nhiều. Đã là con người thì gần như đều sợ thay đổi, chúng ta sợ mất nhiều hơn được. Tôi cũng vậy thôi.
Tôi suy nghĩ làm sao để có lại cuộc sống như trước đây, không cần phải lo sợ bất cứ điều gì. Nếu cầm tấm bằng thạc sĩ về nước đi xin việc thì mất bao lâu mới có thể có được điều mình muốn. Vậy thì... cược một ván lớn. Cùng lắm sau 1-2 năm mà thất bại thì mình làm lại cái khác, bất quá thì đi làm thuê.
Có lẽ quyết định lúc đó của tôi có động lực từ bản năng sinh tồn rất lớn. Còn về việc đam mê, bạn đừng bao giờ đi tìm đam mê, có tìm cũng sẽ không thấy. Thật ra khi muốn biết mình có đam mê điều gì đó hay không, bạn phải làm, phải va chạm.
Cũng giống như việc tôi đã chia sẻ trong cuốn sách của mình: Đam mê cũng giống như tình yêu thuần khiết vậy. Sau những lãng mạn, say mê, rạo rực rồi cả những khi không vui, những lúc cãi vã, bạn vẫn yêu người đó, yêu sự tồn tại của người đó, ở chung một bầu không khí với người đó cũng thấy hạnh phúc.
Khi làm khởi nghiệp, làm kinh doanh, mỗi giai đoạn luôn có những thách thức mà tự mình là người phải đứng ra giải quyết. Cũng có khi nản chứ, tôi đã từng nhắn tin cho "bạn cùng nhà" của mình "Mệt quá. Hay là bỏ quách hết cho rồi". Nhưng sau tất cả, mình vẫn muốn được lèo lái con thuyền, vẫn muốn làm chủ sân chơi của mình thì mình còn cố gắng.
Còn vui thì mình còn làm. Tôi quan niệm cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm và lựa chọn. Tôi đam mê việc được làm những điều mới, đem lại giá trị cho mình và những người xung quanh. Vì thế, ngay cả khi trải qua những giai đoạn khó khăn nhất, tôi vẫn có thể mỉm cười và cảm thấy may mắn vì "được trải nghiệm" chuyện đó.
- Những khi "muốn buông hết", chị đã vượt qua như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng mình may mắn vì bản thân rất lý trí. Đồng thời tôi cùng dành thời gian để tìm hiểu về bản thân mình, về những vấn đề tâm lý. Cho nên những lúc như vậy, tôi có thể gọi tên những cảm xúc của mình và việc thừa nhận được trạng thái đó sẽ khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
Trước đây, quãng thời gian "chẳng muốn làm gì hết" có thể kéo dài, nhiều khi lên tới vài tháng. Nhưng sau này, bởi vì công việc và trách nhiệm rất nhiều, mình không cho phép bản thân được làm như vậy và sẽ tự bắt bản thân "chỉ được buồn đến đây thôi" rồi bắt tay vào làm vào việc khác.
Khi đã trải qua đủ nhiều, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ rồi cũng sẽ qua. Chẳng ai có thể buồn mãi, cũng không có ai vui cả đời. Và chuyện vui, buồn, thất vọng hay hy vọng chỉ là những cảm xúc khác nhau của cuộc sống.
Khó khăn cũng vậy, thành công cũng vậy, không có ai thành công mãi được. Mình phải nhận diện được những lúc đó, dùng lý trí để phân tích và biết được mình phải làm gì.
Tuy nhiên, mình cũng phải rất khéo và ý thức để tránh tình trạng đè nén về mặt cảm xúc. Giống như việc trong một ngôi nhà thì mình là chủ, còn cảm xúc thì là đầy tớ. Nếu mình quá nuông chiều cảm xúc, thì đến một ngày người đầy tớ đó đi vào nhà và làm ông chủ và mình thì trở thành người lệ thuộc vào cảm xúc và không thể làm những điều mà mình muốn làm.
Ngược lại trong trường hợp mình quá đè nén cảm xúc, thì cảm xúc sẽ vùng lên và phá hủy rất nhiều thứ. Vì vậy bạn phải học được cách đối xử với cảm xúc của mình cũng như đối xử với những người xung quanh vậy. Mình phải nhìn nhận họ, cho họ quyền được nói để hóa giải những điều cần thiết và đưa ra những quyết định tiếp theo.
- Chị thường nhắc đến ba trong những chia sẻ của mình. Ông đã ảnh hưởng tới chị như thế nào?
- Rất nhiều. Nếu như tôi tâm sự với mẹ những chuyện tình yêu, những cảm xúc rất con gái thì với ba, tôi được chia sẻ mọi điều về cuộc sống. Tôi được ảnh hưởng từ ba về quan điểm sống, cách nhìn người, hướng đi cho sự nghiệp và cả cách đối nhân xử thế. Có lẽ vì thế, đâu đó bạn sẽ thấy tôi nói đến ba khá nhiều.
Có những khi bị rơi xuống, không còn muốn làm gì tôi lại nhớ tới ba. Tôi nhớ những lời ba nói và thấy sao mình hèn quá. Mình không thể sống như thế được, mình phải làm gì đó khác đi.
Cũng giống như nhiều bậc cha mẹ, ba tôi cũng chọn lựa những thứ thuận lợi cho tôi. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là với những điều tôi muốn làm, ba vẫn để tôi làm chứ không cản.
Như ngày tôi còn bé thích học múa hát, tham gia các hoạt động văn thể, ba cho phép hết, nhưng với điều kiện tôi vẫn phải học tốt. Cách làm như vậy giúp cho đứa trẻ có được sự độc lập cần thiết và cũng đảm bảo được cho đứa trẻ trên con đường nó đi.
Nếu hỏi bất cứ người nào quen ba tôi, bạn sẽ đều nhận được lời nhận xét là ông sống rất bản lĩnh và tình cảm. Tôi chỉ mong sống được bằng một nửa như ba là tốt rồi.
- Chị có nghĩ rằng một người phụ nữ thành công có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống hàng ngày?
- Điều này được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là với phụ nữ châu Á. Tôi không tin vào việc có thể cân bằng, nếu là về thời gian thì đó có lẽ là một lời nói dối.
Đối với đàn ông hay phụ nữ, một khi bạn đã xác định theo đuổi một lĩnh vực nhất định thì công việc không chỉ là 8 tiếng mỗi ngày. Bạn nghĩ về nó mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong giấc ngủ. Bạn không chỉ làm việc bằng ý thức mà còn làm việc như một phản xạ của tiềm thức. Chỉ có thể bằng cách đó, bạn mới có thể đẩy bản thân đi xa được.
Người phụ nữ khi chọn xây dựng sự nghiệp riêng cho mình thì việc lựa chọn một người bạn đời càng trở nên quan trọng. Đó phải là một người tôn trọng ước mơ của mình, ủng hộ công việc của mình. Một người yêu và thương mình không chút vụ lợi, vui cho thành công của mình mà không đem theo bất kỳ một sự phán xét nào.
Người đó cần hiểu được gia đình không phải là do một mình người phụ nữ vun đắp mà phải do cả hai người cùng xây dựng. Đồng thời bản thân mình cũng hãy dành những khoảng thời gian nhất định để người thân, những người mình yêu thương có thể góp mặt được trong không gian cuộc sống của mình.
Ngoài ra, chúng ta phải tự biết cách chăm sóc bản thân. Đôi khi phụ nữ nghĩ quá nhiều cho gia đình, cho con, cho người khác mà quên đi chính mình. Đặc biệt đối với các bạn trẻ mới rơi vào vai trò lãnh đạo thì đó thực sự là một áp lực rất lớn. Giống như khi bạn đọc cuốn Lean In của Sheryl Sandberg thì sẽ thấy rằng tất cả những phụ nữ khi đi làm đều có áp lực khiến mình trở nên cứng rắn như đàn ông.
Ở những thời điểm đầu tôi cũng áp dụng như vậy nhưng sau rồi tôi phát hiện ra điều đó không hiệu quả. Trước khi bạn muốn thay đổi điều gì thì bạn phải học cách chấp nhận nó. Bạn phải chấp nhận là mình đang sống trong một xã hội còn nhiều thiên kiến với phụ nữ, chấp nhận để hiểu rõ được những điểm mạnh và điểm yếu của mình khi trở thành một lãnh đạo.
Chỉ khi trong thâm tâm bạn hiểu ra rằng, trong công việc thì dù là nam hay là nữ thì cũng chỉ là 2 con người, phi giới tính, bạn sẽ nhận ra những lợi thế nhất định mà chỉ có phụ nữ mới có.
Ở vị trí nào cũng vậy, đặc biệt trong công việc, trẻ hay lớn tuổi, nam hay nữ, có kinh nghiệm hay không có kinh nghiệm chỉ là cái nhãn mà mọi người dán cho mình thôi. Quan trọng là mình phải biết mình có được điều gì và mình sử dụng những thứ đó như thế nào.
Ở tuổi 30, Thi Anh Đào được biết đến như câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm theo đuổi đam mê của một cô gái trẻ. Cô là người Việt Nam đầu tiên được tạp chí Campaign Asia - Pacific vinh danh trong 40 gương mặt nữ tiêu biểu trong ngành truyền thông quảng cáo Châu Á Thái Bình Dương (Women to Watch); được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30 U30 năm 2015.
Năm 24 tuổi, cô đồng sáng lập công ty tư vấn mà 5 năm sau lọt vào Top 3 công ty tư vấn hàng đầu ở lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, trở thành doanh nghiệp ngành quảng cáo đầu tiên tại Việt Nam được sáp nhập vào tập đoàn quảng cáo Dentsu Aegis Network, và ra mắt thương hiệu Isobar tại Việt nam, tháng 4/2016.