Chỉ số UV ở mức nguy hiểm trong đợt nắng nóng ở các tỉnh phía Nam. Ảnh: Quỳnh Danh. |
TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang trong đợt nắng nóng kỷ lục. Ngoài nhiệt độ cao gây ra bất tiện trong sinh hoạt, người dân tiếp xúc trực tiếp với tia UV thời gian dài, có nguy cơ bị cháy nắng, biến dị nguy hiểm. Vì vậy, việc kiểm tra chỉ số này trước khi ra ngoài trời là cần thiết, để lên kế hoạch di chuyển hợp lý, chuẩn bị phương pháp che chắn, bảo vệ.
Người dùng iPhone có thể trực tiếp kiểm tra chỉ số này trên ứng dụng Thời tiết, được cài đặt sẵn trên thiết bị. Nếu bị xóa, độc giả cần truy cập AppStore và tải lại app. Phần chỉ số tia UV nằm ở mục widget, dưới dự báo nhiệt độ trong tuần và lượng mưa. Bên cạnh con số, ứng dụng của Apple cung cấp thêm thang màu sắc, khuyến nghị thời gian cần tránh nắng để người dùng lên kế hoạch di chuyển.
Ngoài ra, app thời tiết mặc định trên iPhone có cập nhật chỉ số này theo giờ, với dạng biểu đồ dễ theo dõi.
App Thời tiết trên iPhone có cập nhật chỉ số UV theo giờ. Ảnh: Xuân Sang. |
Tương tự với điện thoại Android, ứng dụng thời tiết trên máy Samsung, Oppo, Xiaomi cũng có trình theo dõi thời tiết, cung cấp nhiều dữ liệu, bao gồm cả chỉ số UV. Ngoài ra, người dùng có thể tìm đến Accuweather (ứng dụng dự báo thời tiết của Mỹ). Trang Weather Online của Anh cũng là một lựa chọn tốt trên nền web để theo dõi UVI, đa dạng nguồn dữ liệu.
UVI (Ultraviolet Index) là hệ chỉ số tia cực tím được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Giá trị trong bảng xuất phát từ 0, số tăng cao, khả năng gây hại của ánh sáng cho da và mắt càng lớn. 1-2 là mức thấp, 3-5 tương đương trung bình.
Ở mức trên 8, WHO khuyến cáo người dùng không nên ra ngoài, phải ở nơi có bóng râm, dùng áo, mũ để che chắn và bôi kem chống nắng.
Theo dữ liệu từ Apple Weather hay Accuweather, chỉ số UV tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam dao động quanh mức 8-13 vào buổi trưa, trong những ngày gần đây. Khoảng thời gian 8-16h mỗi ngày có UVI rất cao, người dân nên hạn chế ra đường. Chỉ số có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức nguy hại trong dịp lễ 30/4-1/5.
Nhiều ứng dụng thời tiết trên máy Android có cung cấp dữ liệu chỉ số UV. Ảnh: Xuân Sang. |
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Mạnh Hà, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết vào mùa nắng nóng, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca bị cháy nắng, nhiễm trùng da, mụn nhọt, viêm kẽ, dị ứng... Trong đó, các vấn đề như cháy nắng, nhiễm nấm hay viêm da ánh sáng rất phổ biến.
Vị chuyên gia cho biết tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong thời gian dài gây ra nhiều tác hại cho làn da. Đối với ảnh hưởng trực tiếp, nó khiến da bị bỏng nắng (hay còn gọi là cháy nắng) với nhiều mức độ. Ban đầu, da có thể ửng đỏ, rát nhẹ. Trong trường hợp nặng, nó khiến da bị phồng, rộp và tạo thành những bọng nước.
Ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím. Nồng độ tia cực tím cao có thể làm chết tế bào da, thay đổi các hoạt chất di truyền của da, từ đó gây ra biến dị, đột biến hay hư hỏng về gene. Sự hư hỏng về gene và ADN có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.