Thêm sức mạnh cho 'Rồng lửa' SA-2 của Việt Nam
Gần 50 năm tham chiến, liên tục được nâng cấp sức mạnh, tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao SA-2 vốn được mệnh danh là "Rồng lửa" vẫn là một trong những trụ cột cho sức mạnh phòng không của Việt Nam.
SA-2 Guideline là tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao có định hướng được phát triển và đưa vào sử dụng tại Liên Xô vào năm 1957. Tên tuổi của SA-2 bắt đầu “nổi đình đám” trên thế giới vào năm 1960 khi bắn hạ một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ ở độ cao 20 km khi chiếc máy bay này thâm nhập không phận Liên Xô.
Tên tuổi của SA-2 tiếp tục nổi tiếng khi nó bắn hạ tiếp một chiếc máy bay do thám U-2 vào năm 1962 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Tên lửa SA-2 đang đón đầu một chiếc F-105D của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Xuất hiện tham chiến tại chiến trường Việt Nam vào đầu năm 1965, ngay lập tức SA-2 bắn rụng một chiếc F-4C vào ngày 24/07/1965. Chiến trường Việt Nam đã làm cho tên tuổi của SA-2 bay xa khắp thế giới và trở thành loại tên lửa phòng không hiệu quả nhất trong thực chiến.
Từ đó về sau SA-2 trở thành vũ khí chủ lực của lực lượng phòng không Việt Nam trong việc chống lại các chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc của Không quân Mỹ. Đặc biệt, nỏ thần SA-2 đã góp phần quan trọng trong việc "bẻ gãy" chiến dịch không kích Linebacker-II với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Hiện nay, tên lửa SA-2 vẫn là một trong những trụ cột của lực lượng phòng không Việt Nam. |
Đến nay, đã trải qua gần 50 năm chinh chiến, song SA-2 vẫn là một trong những trụ cột của lực lượng phòng không Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Để SA-2 không bị già nua theo năm tháng, Nga và một số nước khác vẫn liên tục giới thiệu các gói nâng cấp dành cho loại tên lửa phòng không được sử dụng nhiều nhất trong chiến tranh này.
Một trong những gói nâng cấp gần đây nhất và mạnh nhất cho nỏ thần SA-2 là gói nâng cấp S-75M3 Volga-2 được thực hiện vào năm 2001. Nó không chỉ nâng cấp khả năng chiến đấu theo tiêu chuẩn hiện đại mà còn kéo dài thời gian chiến đấu cho loại tên lửa huyền thoại này. Theo một số nguồn tin gói nâng cấp này đã được thực hiện cho phía Việt Nam.
Với gói nâng cấp S-75M3 Volga, nỏ thần SA-2 vẫn đủ sức quật ngã những chiến đấu cơ hiện đại nhất hiện nay. |
Một trong những điểm đặc biệt nhất của gói nâng cấp này khiến rất nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm là khả năng tích hợp các thành phần kỹ thuật số dùng cho hệ thống phòng không hiện đại S-300PMU1/2.
Nguồn tin Nga tiết lộ, việc sử dụng các thành phần kỹ thuật số mới cho phép hệ thống SA-2 có thể sử dụng chung hệ thống điều khiển hỏa lực của hệ thống S-300.
Các khả năng của S-75M3 sau khi nâng cấp gồm: Tự động theo dõi mục tiêu và dẫn hướng cho tên lửa trong môi trường tác chiến điện tử mạnh, khả năng kháng nhiễu của hệ thống tăng lên 20 lần so với S-75 nguyên bản. Radar điều khiển hỏa lực có khả năng bám mục tiêu ở cự ly tới 100 km.
Tầm bắn tối đa sau khi nâng cấp đạt 60 km, tầm cao tối đa đạt 27 km, xác suất tiêu diệt mục tiêu ở cự 50 km đạt từ 65-98%. Thời gian từ khi bắt mục tiêu đến khi sẵn sàng phóng tên lửa giảm từ 8 giây xuống còn 3 giây. S-75M3 được ví là luồng gió mới hồi sinh sức mạnh chiến đấu cho hệ thống tên lửa phòng không “lão làng” này.
Có một số ý kiến phản biện cho rằng, S-75 đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với điều kiện tác chiến hiện đại. Thực tế thì SA-2 thiếu khả năng cơ động để bám đuổi theo những máy bay tiêm kích có khả năng cơ động cao. Tuy nhiên, ngay từ đầu nó đã được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công các máy bay cánh cố định, máy bay vận tải, ném bom không có khả năng cơ động né tránh như các tiêm kích.
Với yêu cầu nhiệm vụ như vậy đến nay vai trò của S-75 vẫn không hề thuyên giảm. Mặc khác, tên lửa S-75 được trang bị đầu đạn phân mảnh có phạm vi sát thương lên đến 65 mét ở độ cao thấp, ở độ cao lớn không khí loãng hơn, phạm vi sát thương có thể lên đến 250 mét.
Nếu tác chiến theo kiểu bắn xác suất vào đội hình biên đội bay của đối phương với phạm vi sát thương lớn, tên lửa S-75 hoàn toàn đủ sức “vít cổ” bất kỳ loại máy bay nào.
quốc việt
Theo Infonet