Huy động tối đa lực lượng tìm kiếm
Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) trèo lên nóc nhà tránh lũ (ảnh chụp chiều 20/9). |
Sáng 20/9, lại xảy ra một vụ lũ cuốn tại đập tràn nối xã Nghi Mỹ sang xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Theo PV Đài TT-TH huyện Nghi Lộc có mặt tại hiện trường, khi nước lũ đang dâng thì có người trú tại xã Nghi Công đi trên năm xe máy qua đập tràn để về nhà. Hậu quả năm người này bị lũ cuốn trôi. Đến 15h30 lực lượng cứu hộ địa phương đã vớt được bốn người. Hiện còn một người mất tích là Nguyễn Sĩ Phúc, 17 tuổi, học sinh lớp 12, trú tại xóm 9, xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc.
Đến chiều 20/9, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn chưa tìm thấy thi thể năm nạn nhân trong vụ ôtô bị lũ cuốn trôi ngày 19/9. Có mặt tại hiện trường, ông Huỳnh Thanh Điền - phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, người trực tiếp chỉ đạo cuộc tìm kiếm cho biết gần 100 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4, Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An và Công an Nghệ An cùng bốn thuyền, năm xuồng cao tốc, một máy dò mìn, 11 thợ lặn có mặt.
Dưới trời mưa to, xuồng cao tốc và thuyền cứu hộ liên tục ngược xuôi trên khe Ang đã băng đầy, dâng mặt nước lũ lên 5m. 11 thợ lặn cũng thay nhau ngụp lặn nhưng đến chiều cùng ngày vẫn chưa tìm thấy vị trí chiếc xe gặp nạn.
Có lỗi trong vận hành hồ thủy lợi
Chiều 20/9, nhiều nhà dân ở xã Tân Hóa vẫn còn ngập trong nước lũ. |
Ngày 20/9, ông Trang Quang Thành - giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lăk cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến lũ lụt gây hậu quả nặng nề là do mưa lớn, đột ngột và khó dự báo. Tuy nhiên, lũ lụt nghiêm trọng cũng có nguyên nhân chủ quan từ quy trình vận hành hồ thủy lợi Ea Đrăng 1 (Ea H’Leo, Đăk Lăk).
Ông Thành cho biết hồ thủy lợi có dung tích thiết kế 1,2 triệu m3 nước và đã được phê duyệt quy trình vận hành, xả lũ. Tuy nhiên UBND huyện Ea H’Leo lại giao việc vận hành này cho người không có chuyên môn (là hai cựu chiến binh) nên đã không thường xuyên kiểm tra, báo cáo mực nước lên và không chủ động xả lũ đúng quy trình. Ông Thành cho biết sáng 17/9, khi nước tràn qua có nguy cơ vỡ đập mới cho xả lũ ào ạt với lưu lượng 3.000-4.000m3/giây khiến nhiều nơi ngập lụt.
Lý giải về việc trước khi xả lũ, những người có trách nhiệm thông báo chậm để di tản người và tài sản, ông Thành cho biết tình hình khi đó rất khẩn cấp, nếu không kịp thời mở van xả lũ, với dung tích 1,2 triệu m3 của hồ Ea Đrăng 1 mà vỡ đập thì hậu quả sẽ khôn lường. Thông báo chỉ được đưa ra ít phút và một lần trước khi xả đập nên người dân chỉ kịp chạy tránh lũ, tài sản không thể di dời. Tuy nhiên việc có xử lý trách nhiệm những người để xảy ra việc xả lũ bất ngờ hay không thì ông Thành cho biết sẽ tiếp tục họp bàn, rút kinh nghiệm rồi mới tính đến việc xử lý các cá nhân...
Chiều tối 20/9, đại tá Nguyễn Ngọc Ánh - phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk cho hay từ hiện trường cứu hộ, cứu nạn 12 người bị lũ cuốn trôi trên suối Ea H’Leo đoạn giáp ranh xã Cư Kbang và Ia J’Lơi (Ea Súp, Đăk Lăk) từ ngày 17/9 đã tìm thấy thêm thi thể ba nạn nhân trong trận lũ cuốn này.
Đó là ông Đào Văn Dinh (thôn 14, xã Cư Kbang), cháu Đào Thị Thúy (7 tuổi, con bà Lý Thị Pằng, một trong bốn người may mắn được cứu sống sáng 19/9) và cháu Đào Thị Nhình (14 tuổi, trú thôn 14, xã Cư Kbang). Lực lượng cứu hộ đã cứu được bốn người còn sống và tìm kiếm được thi thể năm nạn nhân, hiện vẫn còn ba nạn nhân mất tích. Do trời tối, nước lũ vẫn còn cao và chảy xiết nên việc tìm kiếm phải tạm ngưng.