Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại

Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao, nơi lưu giữ những giá trị của báo chí cách mạng tại Việt Bắc.

Ngày 9/8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức chương trình Khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Sự kiện mang ý nghĩa mở đầu chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam;Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam cùng các đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành, các đồng chí là nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo địa phương, cùng thân nhân các giảng viên, học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và đông đảo hội viên nhà báo...

Truong bao chi anh 1

Các đại biểu dự Chương trình Khánh thành và bàn giao Địa điểm Di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Cách đây tròn 75 năm, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở giữa núi rừng ATK Việt Bắc. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam và là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đọc diễn văn khai mạc buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Truong bao chi anh 2

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.

“Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta. Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thầy dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!” " – đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Tiếp thu lời dạy của Người, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 04/4/1949 đến ngày 06/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình.

Truong bao chi anh 3

Đồng chí Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phát biểu.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm, do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này. Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo, đồng chí Tố Hữu, đồng chí Nguyễn Thành Lê, nhà báo Quang Đạm, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nguyễn Tuân…

Các học viên sau khi tốt nghiệp nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.

Truong bao chi anh 4

Ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao biển tài trợ cho lãnh đạo huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2019, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành văn hóa, “địa chỉ đỏ” Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Trường.

“Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Trường và hướng đến 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từ nguồn vốn xã hội hoá và được giao trọng trách Chủ đầu tư.

Sau 6 tháng 22 ngày bất kể thời tiết nắng mưa thất thường, công việc tu bổ, tôn tạo đã hoàn tất và hôm nay tất cả chúng ta vui mừng hiện diện ở đây, cùng nhau chứng kiến giờ phút công trình được đi vào sử dụng, với mong muốn phục vụ rộng rãi công chúng và nhân dân cả nước”, đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ.

Truong bao chi anh 5

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại chương trình.

Đồng chí cũng đề nghị, để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa, hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của “Thủ đô gió ngàn” thập kỷ 50 của thế kỷ trước ở thời hiện đại.

Truong bao chi anh 6

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình tìm hiểu, xây dựng Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Tôn vinh xứng đáng truyền thống

Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp để tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đồng chí nhận định: "Công trình được khánh thành hôm nay thể hiện sâu sắc ý thức trách nhiệm, lòng tự hào, sự tri ân công lao của các thế hệ tiền bối đã tận hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đồng thời tôn vinh truyền thống vẻ vang, sứ mệnh cao cả và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Truong bao chi anh 7

Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Q. Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận trao 20 suất quà em học sinh nghèo, học giỏi của huyện Đại Từ.

Đây cũng là dịp chúng ta cùng ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, những trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, để nhận thức sâu sắc hơn, đóng góp trách nhiệm hơn trong thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của báo chí, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu của giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức mới.

“Hơn lúc nào hết, vai trò là lực lượng tuyến đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng tôi luyện phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để làm tốt hơn công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, phản ánh khách quan, sinh động và đa chiều thực tiễn cuộc sống, khơi nguồn, lan tỏa những điều tốt đẹp, kiên quyết phê phán, đấu tranh chống tiêu cực, góp phần xứng đáng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, địa phương, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Truong bao chi anh 8

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, sau khi nhận bàn giao Di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng thật hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một Di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của Nhân dân.

Đồng chí mong rằng, sau sự kiện có tính chất mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) này, các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực để cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng; cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc; bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Truong bao chi anh 9

Các đại biểu tham quan công trình.

Bảo vệ các hạng mục công trình, phát huy giá trị của Di tích

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Nam Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, với diện mạo mới, công trình Di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quan trọng trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Trung ương, Chính phủ, chiến khu Việt Bắc và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, là nơi đã đào tạo các thế hệ chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hoá tư tưởng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa với vị thế của Di tích lịch sử Quốc gia và sự hình thành phát triển của Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ sẽ tạo nên một tổng thể hài hoà về văn hóa và du lịch.

Truong bao chi anh 10

Các đại biểu tham quan công trình.

“Chúng tôi sẽ tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xã Tân Thái tiếp tục bảo vệ các hạng mục công trình, phát huy giá trị của di tích, đồng thời tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về di tích cũng như văn hoá lịch sử của địa phương, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ hôm nay và mai sau”, đồng chí Nguyễn Nam Tiến chia sẻ.

Cũng tại sự kiện ý nghĩa này, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, “Không ai bị bỏ lại phía sau”, nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Q.Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận đã trao tặng 20 suất quà, mỗi suất gồm: 1 chiếc cặp đựng sách vở và 1 triệu đồng dành tặng các em học sinh nghèo, học giỏi của huyện Đại Từ.

Truong bao chi anh 11

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Kết thúc chương trình, các đại biểu đã thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Có thể nói, từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ. Năm 1949, chúng ta có khoảng mười tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình và trên 40 nghìn người làm báo…

Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) do Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm chủ đầu tư là công trình mang tính nghệ thuật, văn hóa và lịch sử cao. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi lưu giữ và giới thiệu những giá trị của báo chí cách mạng tại Việt Bắc, phục vụ nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách.

Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khai thác và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử to lớn của Di tích, bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa trên bản đồ báo chí Việt Nam đương đại, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, hấp dẫn công chúng trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đối với thế hệ trẻ cũng như du lịch lịch sử của Thái Nguyên.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://www.congluan.vn/them-mot-diem-den-y-nghia-tren-ban-do-bao-chi-viet-nam-duong-dai-post307020.html

Nhóm PV/Nhà báo và Công luận

Bạn có thể quan tâm