Một doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vừa không thể trả 42,1 tỷ nhân dân tệ nợ đến hạn thanh toán. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Caixin, công ty bất động sản Trung Quốc Sichuan Languang Development (sàn Thượng Hải) đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết trong bối cảnh giá cổ phiếu rơi tự do. Công ty cũng cảnh báo về nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu của Sichuan Languang trượt dài xuống dưới ngưỡng 1 nhân dân tệ/cổ phiếu. Điều này khiến tập đoàn bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ phải rời khỏi Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE).
Nguy cơ bị hủy niêm yết và vỡ nợ
Theo quy định của sàn, nếu giá cổ phiếu rơi xuống dưới ngưỡng 1 nhân dân tệ/cổ phiếu trong 20 ngày liên tiếp, doanh nghiệp sẽ rơi vào nhóm xem xét hủy niêm yết. Việc doanh nghiệp có bị hủy niêm yết hay không sẽ do sàn giao dịch quyết định trong vòng 5 ngày tiếp theo.
Ngành công nghiệp bất động sản của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ đầu năm 2021, khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra những biện pháp gắt gao nhằm kìm hãm đầu cơ và tình trạng sử dụng đòn bẩy quá mức. Các động thái này đã tước đi nguồn vốn chính của lĩnh vực bất động sản.
Điều này khiến nhiều công ty bất động sản lớn, kể cả các tên tuổi lớn, phải chật vật trả nợ và hoàn thành những dự án còn dang dở.
Giống như các công ty khác trong ngành, Sichuan Languang lao đao vì tình trạng khủng hoảng thanh khoản kể từ năm 2021. Lợi nhuận ròng của công ty đã giảm hơn 500% từ mức 3,3 tỷ nhân dân tệ của năm 2020. Năm 2021, Sichuan Languang gánh lỗ 13,8 tỷ nhân dân tệ.
Tài sản ròng của công ty được ước tính giảm từ 1,4 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2021 xuống âm 20,9 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022. Ảnh: Bloomberg. |
Theo hồ sơ gửi lên SSE hôm 31/1, công ty ước tính trong năm 2022, khoản lỗ ròng sẽ tăng 58% so với năm 2021 lên 21,9 tỷ nhân dân tệ. Còn tài sản ròng của công ty sẽ giảm từ 1,4 tỷ nhân dân tệ hồi năm 2021 xuống âm 20,9 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022.
Tuần trước, công ty đã không thể trả được 42,1 tỷ nhân dân tệ nợ đến hạn thanh toán, bao gồm các khoản vay ngân hàng, nợ ủy thác và một số công cụ tài chính khác. Theo các quy tắc do SSE đặt ra, doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết nếu tài sản ròng rơi xuống mức âm trong vòng 2 năm.
Các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh
Kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã công bố một loạt chính sách nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp bất động sản đang lao đao. Đây là một trong những động lực tăng trưởng lớn của kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Đã có một số tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản nước này. Theo một cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hồi đầu tháng, nhu cầu mua nhà tại Trung Quốc đang gia tăng trở lại.
Theo cuộc khảo sát, tỷ lệ người được hỏi có kế hoạch mua nhà trong 3 tháng tới đã tăng lên 17,5% trong quý I. Tỷ lệ này tăng từ 16% trong quý IV/2022 và là mức cao nhất kể từ quý I năm ngoái.
Tâm lý của thị trường cũng đã được cải thiện. Cuộc khảo sát cho thấy 18,5% số người được hỏi dự đoán rằng giá nhà sẽ tăng. Con số này vượt xa tỷ lệ 14% của quý IV/2022 và cũng là mức cao nhất kể từ quý III/2021.
Còn theo một cuộc nghiên cứu của Hệ thống Chỉ số Bất động sản Trung Quốc (CREIS) về giá nhà tại 100 thành phố trên toàn quốc, giá trung bình trên mỗi m2 của một căn hộ mới xây đã tăng 0,02% so với tháng 2.
Dữ liệu của công ty quản lý bất động sản JLL chỉ ra thị trường nhà ở cao cấp của Bắc Kinh cũng đã ghi nhận khối lượng giao dịch tăng 20% trong quý I so với quý cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều công ty bất động sản niêm yết như Sichuan Languang vẫn đang lao đao. Tính đến ngày 21/2, 66 trong số 119 công ty bất động sản niêm yết của Trung Quốc đã công bố ước tính lợi nhuận cho năm 2022.
Theo dữ liệu của Wind Information, 38 trong số đó dự báo lỗ ròng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.