Theo văn bản công bố thông tin bất thường lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty CP Hưng Thịnh Incons (Mã chứng khoán : HTN) đang chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002.
Đây là trái phiếu có kỳ hạn một năm và đã đáo hạn vào ngày 31/12/2022 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, thời điểm thanh toán theo kế hoạch vào ngày 3/1.
Hưng Thịnh Incons báo cáo đã hoàn trả toàn bộ tiền lãi hơn 8 tỷ đồng vào ngày 3/1. Tuy nhiên, công ty chỉ mới thanh toán được số tiền gốc 90 tỷ đồng (so với tổng nợ gốc 300 tỷ đồng).
"Tín dụng bị siết chặt, thị trường vốn khác (như chứng khoán, trái phiếu) bị nhiều tác động không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán cho Hưng Thịnh Incons, dẫn đến nguồn tiền của tổ chức phát hành thanh toán cho trái chủ bị chậm so với kế hoạch", văn bản giải trình.
Công ty xây dựng cũng đưa ra lộ trình thanh toán mới cho trái chủ. Trong đó, giai đoạn 1/3-10/3 sẽ hoàn trả 105 tỷ đồng tiền gốc và giai đoạn 25/3-31/3 sẽ tất toán khoản còn lại 105 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang bị chậm thanh toán tiền cho trái chủ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Không chỉ có Hưng Thịnh Incons mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó về dòng tiền, dẫn đến vi phạm hợp đồng thanh toán cho các trái chủ.
Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với tổng giá trị cần trả cho trái chủ hơn 1.021 tỷ đồng.
Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023, với lý do chưa thu hồi được tiền nợ từ HAGL Agrico (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên với ngân hàng) và thanh lý tài sản.
Công ty cổ phần Nova Final Solution cũng chậm thanh toán cho lô trái phiếu NOVA Final Solution.Bond.2019 với số tiền lãi gần 36 tỷ đồng, với lý do chưa thu xếp kịp nguồn vốn. Ngày thanh toán theo kế hoạch là 13/12/2022 và doanh nghiệp xin dời đến 23/12/2022.
Hay Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vẫn chưa thể trả nợ cho lô trái phiếu AGMH2223001 do tình hình kinh doanh bị đình trệ kể từ sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị bắt. Bộ máy lãnh đạo mới cần thời gian để lập các kế hoạch tài chính, trong đó có nghĩa vụ thanh toán nợ cho trái chủ.
Hiện lô trái phiếu này có tổng giá trị theo mệnh giá là 300 tỷ đồng nhưng đã được mua lại gần 90 tỷ, do đó số dư hiện tại còn hơn 210 tỷ.
Do không đủ khả năng thanh toán lãi đến hạn nên Angimex đang có kế hoạch triệu tập cuộc họp Hội nghị trái chủ vào đầu tháng 2 để xin ý kiến về kế hoạch xử lý trái phiếu, bao gồm lộ trình thanh lý tài sản và các nguồn tiền kinh doanh khác.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua lại trước hạn 39.542 tỷ đồng trái phiếu trong tháng cuối năm ngoái, tăng 39% so với cùng kỳ. Tổng giá trị mua lại trong cả năm đạt hơn 210.573 tỷ đồng, tăng 46% so năm 2021.
Trong tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị gần 17.500 tỷ đồng, chủ yếu tại nhóm bất động sản và xây dựng.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...