Thị trường rộng mở
Thông tin mới nhất ngày 6/10 tới, nhãn, vải của Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại thị trường Mỹ vốn được đánh giá khó tính bậc nhất bởi nhiều quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo các ngành chức năng, nhờ vậy dự kiến mỗi năm, Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn. Còn trước đó, nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam như: thanh long, chôm chôm… đã được các quốc gia như: Hàn quốc, Nhật Bản, Mỹ… đồng ý cấp phép có mặt trên thị trường.
“Ngay từ cuối năm 2013, Việt Nam và Đài Loan đã hoàn tất những thủ tục cuối cùng xuất khẩu thanh long vào thị trường này với số lượng lớn. Từ các tháng đầu năm nay nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu trái cây sang New Zealand và đưa xoài sang Hàn Quốc. Với những tín hiệu lạc quan trên, chúng tôi hy vọng mặt hàng rau quả có thể đem về khoảng 1,2 tỷ đô la Mỹ trong năm 2014”, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) lạc quan.
Trái cây Việt sẽ có thêm thị trường mới. |
Tại các thị trường châu Âu, cùng với trái thanh long đang có số lượng xuất khẩu lớn, nhiều loại trái cây khác như bưởi, xoài, chôm chôm… đã bắt đầu được người tiêu dùng lựa chọn. Trong tương lai gần, khi hiệp định thương mại tự do giữa EU-Việt Nam có thể sẽ được ký kết và khoảng 90 dòng thuế áp dụng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU sẽ được cắt giảm xuống mức thấp nhất, “Lúc ấy hàng hoá, đặc biệt nông sản Việt Nam sẽ tăng mạnh từ 30-40% so với thời gian trước và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước có thêm nhiều cơ hội ở thị trường đầy tiềm năng này”, ông Kỳ cho biết.
Lập danh sách mã vùng, hoàn thành bản đồ chiếu xạ
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng cùng với cơ hội là thách thức lớn cho trái cây Việt Nam. Do thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, nên tình trạng xuất hàng mới qua sơ chế vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu như Mỹ quy định rất chặt chẽ các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, trái cây phải được trồng ở vùng đăng ký và được ngành chức năng theo dõi, đảm bảo không có mầm bệnh. Trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng. Đặc biệt là quy định ngặt nghèo liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật cho biết, Việt Nam sẽ phải xây dựng mã số vùng trồng theo yêu cầu của Mỹ. Theo đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nhãn, vải có quy mô từ 10 ha trở lên trong một vùng không gian gần kề như cùng một ấp, xã có thể được cấp một mã số. Mã số đó sẽ giúp các nhà nhập khẩu Mỹ truy suất được nguồn gốc sản phẩm.
Đặc biệt, các tổ sản xuất, hợp tác xã phải áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, phải bọc trái cây trước thu hoạch tối thiểu 3 tuần. Nông dân có thể sử dụng các nhóm thuốc thay thế khác trong quá trình canh tác nhưng phải đảm bảo đủ thời gian cách ly tính đến ngày thu hoạch.
Theo ông Đạt, thời gian tới Cục Bảo vệ Thực vật sẽ phối hợp với cơ quan kiểm dịch của Mỹ tại Việt Nam xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn ở miền Bắc và miền Nam; đồng thời hoàn thành bản đồ chiếu xạ đối với các loại nông sản này. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành việc xác định các vùng trồng nhãn ở miền Nam để cấp mã số. Nếu đáp ứng sớm được các yêu cầu của Mỹ về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nhất là kết quả bản đồ chiếu xạ đối với nhãn thì nhãn sẽ được xuất khẩu trước. Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật tập trung hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương, nông dân cách chăm sóc và kỹ thuật ở các vùng chuyên canh trồng vải và nhãn.
“Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất rải vụ thu hoạch cây ăn quả do Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng ban, trong đó tập trung vào 5 loại trái cây chủ lực: thanh long, xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm. Thị trường đã có, công việc tiếp theo của ngành chức năng là sẽ liên kết với nông dân, cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao vai trò đầu tàu của doanh nghiệp làm ra sản phẩm đạt yêu cầu của nhà nhập khẩu”, ông Đạt nói thêm.