Ở khu vực biên giới, hàng Thái được bày bán đầy rẫy với nhiều chủng loại từ mỹ phẩm, thực phẩm, bột giặt, đồ gia dụng đến các nhóm sản phẩm may mặc, mùng mền, giày dép... Do không phải nộp thuế, các sản phẩm này đã gây nhiều khó khăn cho hàng sản xuất trong nước.
Nhập lậu từ mì gói đến mỹ phẩm
Gần đến ngày gả con gái, bà Nguyễn Thị Anh (TP Châu Đốc, An Giang) đến khu vực chợ trung tâm TP Châu Đốc mua sắm chăn, màn cùng cặp gối làm quà, tất cả đều là hàng Thái được đựng trong từng túi nilông có dây kéo trông khá bắt mắt.
Tấp nập khách mua sắm hàng Thái ở chợ Tịnh Biên (An Giang), trong đó có những người chuyên lấy hàng đưa về bỏ mối ở các chợ. |
“Mỗi thứ này chưa tới 200.000 đồng, giá chỉ mắc hơn hàng nội chút đỉnh, nhưng vừa đẹp mà lại bền”, bà Anh giải thích. Ngoài ra du khách đến đây vẫn thường chọn mua kem dưỡng da, nước hoa, quần áo, giày dép...
Ban quản lý chợ cho hay người dân các tỉnh xa rất chuộng hàng Thái, họ coi đấy như là “đặc sản” trong chuyến đến hành hương, tham quan ở thành phố này.
Tại chợ Xuân Tô, huyện Tịnh Biên (An Giang), vào những ngày nghỉ cuối tuần có khá đông người đi du lịch từ các nơi ghé đến mua sắm, ai nấy đều trầm trồ trước mức độ hàng ngoại khá phong phú được bày bán tại đây. Sớm chiều từng kiện hàng hóa lần lượt chuyển ra những chiếc xe khách mang đủ biển số các tỉnh thành.
Ông Đoàn Văn Bé, phó ban quản lý chợ, cho biết tại chợ này lượng hàng Thái chiếm hơn 30%, phần lớn nhập tiểu ngạch từ Campuchia. Ngoài ra, còn mỹ phẩm, sữa tắm dưỡng da của Malaysia, Indonesia...
Tương tự, hầu hết các sạp tại chợ bách hóa thị xã Hà Tiên đều có bán hàng Thái, từ các loại mỹ phẩm, xà phòng, nước hoa, giày dép, quần áo, dầu gió, chăn màn, võng dù cho tới gạo thơm, mì gói, đồ hộp, trái cây...
Các loại bột giặt giá rẻ hơn hàng trong nước 20.000-30.000 đồng, còn giá mỹ phẩm cao hơn 10.000-15.000 đồng. Các tiểu thương ước lượng hàng Thái trong chợ chiếm khoảng 30%.
Nguồn cung hàng Thái chủ yếu từ Campuchia, do dân buôn trong nước qua bên ấy vận chuyển về giao cho các hộ tiểu thương các chợ ở khu vực biên giới.
Tại chợ Thalop, nằm phía trên cửa khẩu Phnom Denk (Kirivong, Takeo), hàng Thái nhiều vô kể, đây được coi như một trong những điểm trung chuyển hàng ngoại vào nội địa.
Cánh dân buôn cho hay thường qua đây lấy hàng, thậm chí còn lên tận Kampot, Kokong, Battambang hay cảng Sihanoukville “đánh” mấy nhóm hàng “độc” về.
“Hàng Thái Lan mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định mà giá cao hơn hàng nội, hàng Trung Quốc chẳng bao nên được ưa chuộng hơn. Gần đây phụ tùng các loại xe máy, xe đạp, máy gặt của Thái được tiêu thụ khá mạnh” - ông Danh, một tay chuyên buôn hàng ngoại xuyên biên giới, tiết lộ.
Ông Lư Văn Đời, đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3 tỉnh Kiên Giang, cho rằng hầu hết hàng Thái bày bán ở chợ Hà Tiên đều là hàng nhập lậu.
Theo nhiều hộ bán mỹ phẩm tại chợ này, trước kia nguồn hàng nhập từ Campuchia chủ yếu qua đường tiểu ngạch, gần đây có thêm nguồn cung từ siêu thị miễn thuế ở Tịnh Biên.
Ông Phan Lợi, phó giám đốc Sở Công thương, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang, cho biết hàng Thái phần do một số doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chính thức, còn lại do nhập lậu qua tiểu ngạch.
Giá rẻ nhờ... né thuế
Bà Lê Thị Hòa, kinh doanh ở chợ Ô Môn (Cần Thơ), cho hay trước kia hằng tuần gia đình bà thường lặn lội lên tận biên giới lấy hàng. Sau một thời gian đã quen mối, khi cần chỉ cần gọi điện và chuyển tiền qua tài khoản là trong ngày hàng sẽ được gửi theo xe khách đến nơi.
Ngoài ra, dân buôn vẫn thường lấy hàng Thái từ chợ cửa khẩu Tịnh Biên về bỏ mối cho những hộ bán lẻ ở các chợ nội địa trong vùng.
“Giới trung lưu, người có tiền có xu hướng khoái xài hàng Thái hơn hàng nội”, bà Hòa nhận định.
Theo giới tiểu thương, những năm gần đây doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh gặp khó, thiếu sự đầu tư phát triển thị trường.
Trong khi đó hàng Thái không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã dần lấy lại thị phần ở Campuchia rồi thâm nhập trở lại thị trường Việt Nam. Mặt khác hàng Thái cũng có mặt tại siêu thị, siêu thị miễn thuế thu hút đông khách du lịch hành hương mua sắm, từ đó người tiêu dùng trong nước dần biết đến hàng Thái nhiều hơn.
Hàng Thái có mẫu mã đẹp, giá cao hơn hàng nội, hàng Trung Quốc không nhiều nên ngày càng được người tiêu dùng chọn lựa.
Ông Bé cho biết khi thấy hàng Thái được ưa chuộng, nhiều doanh nghiệp trong nước lại sản xuất “nhái” theo sản phẩm của họ để bán được hàng, vì vậy ở chợ Tịnh Biên cũng có nhiều mặt hàng “nhái”.
Ông Phan Lợi cho biết mấy năm nay Sở Công thương An Giang đã chủ động liên tục tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn biên giới để quảng bá hàng nội, đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý hàng ngoại không có hóa đơn chứng từ, nhằm ngăn hàng ngoại thẩm lậu.
“Qua kiểm tra cũng đã thu giữ nhiều hàng hóa Thái Lan. Tuy nhiên phải nhìn nhận do chất lượng sản phẩm, giá cao chẳng bao cộng với tâm lý sính hàng ngoại nên hàng Thái vẫn có cơ hội thâm nhập thị trường. Trước tình hình đó chúng tôi đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, ngăn chặn”, ông Lợi nói.
Ông Trần Thanh Mộc, giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang, nhận định sở dĩ hàng Thái nói riêng, hàng nhập lậu nói chung còn đất sống là nhờ giá rẻ vì né thuế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt thì... phải chờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ mới chịu đưa hàng ra xâm nhập thị trường.
“Năm nay UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí đưa hàng Việt tới Hòn Đất, Tân Hiệp, Kiên Lương. Nếu muốn đưa hàng Việt ra chợ Hà Tiên phải chờ sang năm 2015” - ông Mộc cho hay.
Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội
TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho rằng hàng Thái có chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc, giá cả cạnh tranh hơn hàng nội nên được người tiêu dùng chọn lựa.
Từ năm 2015, hàng hóa thông thường của các nước Asean sẽ được bãi bỏ 100% thuế suất, không chỉ hàng Thái mà hàng hóa các nước trong khu vực có thêm điều kiện thâm nhập Việt Nam, góp phần loại bỏ hàng kém chất lượng của Trung Quốc nhưng doanh nghiệp nội sẽ gặp khó khăn hơn.
Trước nguy cơ mất thị phần trên sân nhà, các doanh nghiệp nội buộc phải thay đổi chiến lược và quản trị, đồng thời Nhà nước cũng cần có thay đổi về chính sách, thể chế để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nội phát triển trong xu thế hội nhập, cạnh tranh toàn cầu.