Thêm bằng chứng về sự sống ngoài trái đất
Hồ nước mặn ở Nam Cực, bị chôn vùi dưới lớp băng trong 2.800 năm, có chứa rất nhiều vi khuẩn cổ sinh. Phát hiện này củng cố thêm giả thuyết sự sống có thể tồn tại trên sao Hỏa, trên mặt trăng Europa của sao Mộc và mặt trăng Enceladus của sao Thổ.
Hồ nước mặn Vida. |
“Hồ Vida là một điển hình của hiện tượng đóng băng một hồ nước. Đây có thể là điều đã xảy ra đối với những hồ trên sao Hỏa khi hành tinh này trở lạnh. Bất cứ một loài thủy sinh vật nào sống trên sao Hỏa cũng có thể đã phải trải qua những giai đoạn như hồ Vida trước khi bị đóng băng, chôn vùi hoàn toàn những bằng chứng của hệ sinh thái đã tồn tại trong quá khứ”, tiến sĩ Peter Doran, giáo sư chuyên ngành trái đất và môi trường thuộc Đại học Illinois, Chiacago (Mỹ) cho biết.
Hồ gần như bị “bỏ hoang” cho đến khi các chuyên gia ở Viện nghiên cứu Sa mạc Neveda (Mỹ) đào xuyên qua lớp băng dày hơn 15 m để thu thập mẫu phẩm. Kết quả họ đã thu nhận được tổng số 32 loại vi khuẩn.
Điều lạ là những loại vi khuẩn này đã không có phản ứng hóa học với hidro trong môi trường nước hồ. “Điều ngạc nhiên là không hề có bất kỳ thứ gì có thể sống được dưới hồ. Môi trường này quá khắc nghiệt để sống. Những sinh vật này lại cho chúng ta một cái nhìn khác với câu châm ngôn: Ở đâu có nước, ở đó có sự sống”, tiến sĩ Peter Doran nói.
Theo Vietnamnet