Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thêm 5 người tử vong do nhiễm virus Marburg

Tanzania thông báo đợt bùng phát căn bệnh chết người do Marburg sau khi ghi nhận 5 trường hợp tử vong và 3 người nhiễm virus này.

Nhân viên y tế làm việc tại phòng thí nghiệm ở Tây Phi. Ảnh: WHO.

The Guardian đưa tin ngày 22/3, những trường hợp nhiễm và tử vong do loại virus giống Ebola này được báo cáo tại một bệnh viện ở vùng Kagera phía tây bắc Tanzania, đất nước nằm ở bờ Đông châu Phi.

Những người có triệu chứng đầu tiên được phát hiện tại 2 ngôi làng ở Kagera vào tuần trước.

Phòng thí nghiệm quốc gia của Tanzania đã xác nhận những người này nhiễm virus Marburg. Họ xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa, chảy máu và suy thận, theo Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định một trong 5 ca tử vong là nhân viên y tế. Ba bệnh nhân còn lại đang được điều trị. Khoảng 161 người có tiếp xúc đang được theo dõi nguy cơ bị nhiễm bệnh. Hiện tại, không trường hợp nào được báo cáo bên ngoài vùng Kagera.

Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với chính phủ để nhanh chóng tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus và chấm dứt đợt bùng phát càng sớm càng tốt".

Đại diện WHO tại châu Phi đánh giá cao quyết tâm ứng phó hiệu quả với đợt bùng phát dịch bệnh của Tanzania.

Hiện tại, Bộ Y tế Tanzania kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa chung và tuân theo các chỉ thị y tế cho đến khi tình hình được kiểm soát.

Trước đó, WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 14/2 để đối phó với sự bùng phát của Marburg sau cái chết của ít nhất 9 người nhiễm virus này ở Guinea Xích đạo.

Bệnh do virus Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 tại Marburg và Frankfurt ở Đức và Belgrade, Serbia.

Marburg được xem là cùng họ với Ebola, loại virus được ví như "cơn ác mộng toàn cầu". Marburg gây ra cơn sốt xuất huyết nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong rơi vào từ 24% đến 88%.

Trong quá khứ, virus Marburg gây ra một số đợt bùng phát kể từ khi được phát hiện, tồi tệ nhất là ở Angola vào năm 2004-2005, nơi có 252 người mắc bệnh và 227 trường hợp tử vong.

Virus Marburg được truyền sang người từ dơi ăn quả, sau đó lây từ người này sang người khác qua chất dịch cơ thể hoặc đồ vật dính dịch tiết. Các thành viên trong gia đình và nhân viên y tế đặc biệt dễ bị lây nhiễm.

Nó có thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày, gây triệu chứng sốt, buồn nôn, phát ban khi mới bắt đầu, sau đó đến vàng da và sụt cân nghiêm trọng khi bệnh tiến triển.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm