Nội dung trên được ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, chỉ đạo tại cuộc họp khẩn tại Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, đêm 20/9.
5 ca nhiễm ở khu công nghiệp
Theo báo cáo của ngành y tế tỉnh Hà Nam, ngày 19/9, địa phương ghi nhận 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng đều có địa chỉ thường trú tại TP Phủ Lý. Các trường hợp F0 được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
Để kịp thời rà soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, trong đêm 19/9, ngành y tế tỉnh đã lấy trên 1.400 mẫu xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng, gồm các trường hợp F1 và người dân sống ở khu vực F0 sinh sống, làm việc hoặc từng di chuyển qua.
Đến 2h ngày 21/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết kết quả xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện thêm 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 5 trường hợp là công nhân tại Công ty TNHH Espoir tại Khu công nghiệp Châu Sơn.
Qua điều tra, truy vết, tổng số F1 trên địa bàn thành phố Phủ Lý là trên 300 người. Đặc biệt, có những F1 ở trường học hoặc công nhân làm việc tại khu công nghiệp.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nam là địa phương đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19 ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh: Việt Linh. |
Đêm 20/9, ngành y tế tỉnh Hà Nam phối hợp với TP Phủ Lý tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho khoảng 20.000 người dân tại các xã, phường. Đồng thời, ngành cũng chuẩn bị nhân lực để tổ chức xét nghiệm nhanh 20.000 mẫu tại khu công nghiệp Châu Sơn.
UBND TP Phủ Lý đã yêu cầu dừng hoạt động buôn bán, kinh doanh ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về; có phương án hỗ trợ cho người dân trong khu phong tỏa; chuẩn bị các điều kiện để tập trung tiêm vaccine theo hình thức cuốn chiếu cho 5 phường nội thành là Lương Khánh Thiện, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Trần Hưng Đạo, Quang Trung.
Chùm ca nhiễm chưa rõ nguồn lây
Tại cuộc họp, các ngành chức năng của tỉnh Hà Nam nhận định địa phương đang đối mặt với chùm ca lây nhiễm phức tạp vì chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm của các trường hợp F0. Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao do lịch trình di chuyển của các bệnh nhân đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm trong khu công nghiệp.
Trước mắt, địa phương phải xác định sớm được chủng virus và nguồn gốc lây nhiễm của các bệnh nhân để triển khai biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; truy vết chính xác những địa điểm các F0 đã đến; bóc tách F0 tại cộng đồng bằng cách xác định lấy mẫu vùng, địa điểm có nguy cơ cao; hạn chế các hoạt động đông người…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy giao ngành y tế chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, sinh phẩm, thuốc men, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; tích cực liên hệ ngành y tế các tỉnh lân cận đề xuất hỗ trợ nhân lực để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân TP Phủ Lý.
Ngành y tế cũng cần cung cấp thông tin kết quả xét nghiệm chính xác, nhanh chóng cho các lực lượng công an, quân sự và các huyện, thành phố, thị xã để triển khai phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp; đồng thời xây dựng phương án đề xuất hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh lân cận để hỗ trợ tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam bị phong tỏa.
Các địa phương trực thuộc tỉnh Hà Nam được giao toàn quyền tổ chức phong tỏa các điểm, khu vực dân cư phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Người dân TP Phủ Lý được khuyến cáo "ai ở đâu ở đó", tạm thời ở nhà trong 3 ngày để được lấy mẫu xét nghiệm. Các cơ quan, công sở nghiên cứu bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc online tại nhà phù hợp.
Đồng thời, ngành giáo dục chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục cho học sinh các cấp trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam tạm thời nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh.