Ngày 20/7, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xác nhận thông tin trên và cho biết, bệnh nhân bị dương tính với virus bạch hầu là em Hồ Văn Vĩnh (14 tuổi, trú thôn 8A, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn).
Trước đó (từ ngày 18/5 đến 12/7), tại 2 thôn 8A, 8B của xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) có 6 người chết với cùng triệu chứng như đau, sưng ở cổ họng.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vào cuộc và ghi nhận có 13 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó.
Viện Pasteur Nha Trang phối hợp Sở Y tế Quảng Nam lấy 10 mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm. Kết quả từ 7 mẫu bệnh phẩm cho thấy, có 1 ca dương tính với virus bạch hầu. Bệnh nhân là Hồ Văn Nam (25 tuổi, thôn 8B).
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, sức khỏe của 6 bệnh nhân điều trị ở trung tâm đã có tiến triển tốt nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, họ không chịu ở lại điều trị, luôn đòi về nhà. Trung tâm đã phải cử bác sĩ theo họ về địa phương tiếp tục điều trị cho đến khi khỏi bệnh.
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chính quyền huyện Phước Sơn đã phong tỏa các con đường ra vào thôn 8B để cách ly vùng dịch. Cán bộ y tế cũng đến xử lý môi trường, đồng thời cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân phòng tránh dịch bệnh.
Năm 2013, tại thôn 8B có 7 trẻ em tử vong do bệnh lạ. Cho rằng, những cái chết trên là do "ma" bắt nên hàng chục hộ đã bỏ làng vào rừng sâu sinh sống. Chính quyền địa phương nhiều lần thuyết phục mới đưa được họ trở lại làng.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn cùng với tư tưởng lạc hậu nên khi bị bệnh, người dân thường làm lễ cúng Giàng để "đuổi con ma" chứ không đi bệnh viện. Chính vì vậy, khi dịch bạch hầu xảy ra, nhà chức trách lo ngại người dân sẽ tiếp tục bỏ làng vào rừng sống như trước.
*Tên các bệnh nhân đã thay đổi.