Hôm qua (30/9), đoàn TTVN bước sang ngày thi đấu thứ 11 tại Asian Games. Tính đến thời điểm này, các VĐV Việt Nam giành được 32 huy chương các loại, gồm 1 HCV, 9 HCB và 22 HCĐ. Như vậy, đoàn TTVN vẫn còn cách chỉ tiêu đề ra ít nhất 1 tấm HCV, và đó là một áp lực tâm lý không nhỏ cho các cán bộ, chuyên gia, HLV và VĐV còn thi đấu trong những ngày tới.
Phóng viên đang có mặt tại Hàn Quốc đã phỏng vấn ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, đánh giá về 10 ngày thi đấu vừa qua của đoàn, cũng như phương hướng đầu tư chiến lược cho thể thao Việt Nam trong thời gian tới.
- Thưa ông, ông có thể đánh giá bức tranh toàn cảnh về thành tích thi đấu của đoàn TTVN tại Asian Games lần này qua 10 ngày vừa qua?
- Tôi cho là lần này mình tham dự ASIAD có quan điểm tiết kiệm hơn trước, chỉ những môn tiệm cận huy chương mới cử đi. Nhưng có một số môn không thể biết trước được. So với ASIAD ở Quảng Châu có 33 cái huy chương, lần này ta cũng được gần 30 huy chương và chắc chắn còn một số huy chương khác, nhưng lần này ít huy chương bạc hơn, bởi lần trước có 17 HCB, lần này chưa được 10 cái.
Ông Hoàng Vĩnh Giang.
Có thể là chưa bằng lần trước, nhưng nếu có thêm 1 HCV thì chuyện hoàn toàn khác. Mặc dù ta thua Myanmar giành 2 HCV cầu mây, nhưng điều đó không phản ánh đúng thực lực nền thể thao của ta và họ. Ví dụ như, nếu ngày hôm qua ta điều chỉnh tốt hơn cự ly và đà chạy, chúng ta đã có thể giành HCV nhảy xa. HCB chạy 400 m cũng tốt. 2 tấm HCB của chạy và HCB của rowing, HCB của Hà Thanh, rồi HCĐ cũng của Hà Thanh và VĐV của Hà Nội… đều là những tấm huy chương có đẳng cấp, mà chúng ta đã tiến dần đến đẳng cấp của khu vực.
- Là người có thâm niên dẫn đoàn TTVN thi đấu tại các đấu trường quốc tế, cũng như trên cương vị người quản lý thể thao Việt Nam có sự am hiểu sâu rộng về nhiều môn thể thao khác nhau, ông có lời khuyên gì cho các HLV và VĐV trong những ngày thi đấu tới?
- Tôi cho rằng tham gia nhiều cũng không có nghĩa là có quyền chỉ bảo hay khuyên gì. Tất nhiên, ai cũng muốn VĐV của mình giành chiến thắng. Ngay cả ở đây, tôi thấy có 3 luồng chỉ đạo khác nhau cho VĐV quyền anh. Người thì bảo là tiến lên đánh 3 quả, nhưng không nói đánh quả trái trước hay quả phải trước, hoặc là bảo đánh đi, nhưng VĐV mình đứng cách họ tới 1,5 m thì có đấm 1000 quả cũng chẳng trúng cú nào.
Tôi chỉ đạo khác, phải bước vào áp sát để có cơ bản trước khi đánh. Thế nên, cái chỉ đạo trong thi đấu rất quan trọng. Thêm nữa, với những môn chấm điểm theo cảm tính của trọng tài, thì không chỉ là tài năng của VĐV, chỉ đạo của HLV, mà còn cần một đội ngũ mà người ta vẫn gọi là vòng ngoài. Những cái đó, đôi khi chưa biết ai quan trọng hơn ai. Trong thể thao cũng có những yếu tố khó lường lắm.
Thế nên, tới đây ta đánh karatedo. Hàn Quốc không mạnh về karate, Nhật Bản, Malaysia và Iran mạnh. Nhưng ta có Hoàng Ngân mạnh về Kata. Tôi cho là cháu sẽ không bị ép vì Hàn Quốc không có VĐV nào bằng. Còn VĐV Malaysia không bằng đẳng cấp. Nhật Bản thì có VĐV ngang bằng, nhưng Hoàng Ngân vừa giành chiến thắng. Vậy nên, có hy vọng. Và nếu chúng ta có thêm tấm HCV thì ASIAD này thực sự là trọn vẹn. Nhưng tôi cho rằng ở sân chơi ASIAD thì mình vẫn phải cố gắng nhiều.
- Cách đây 4 năm, ông từng đánh giá rằng đừng vội chỉ nhìn vào 1 tấm HCV, mà hãy nhìn cả sang 17 tấm HCB mà đoàn TTVN giành được tại ASIAD Quảng Châu (Trung Quốc) để đánh giá thực lực nền thể thao Việt Nam. Giờ đây, khi chúng ta cũng chỉ mới có 1 HCV, trong khi số lượng HCB tụt giảm rõ rệt, phải chăng là chiến lược đầu tư cho thể thao của chúng ta có những chuệch choạc, thưa ông?
- Tôi cho không phải như vậy. Trong thi đấu, HCĐ cũng có thể là HCB, HCB cũng có thể là HCV sau này. Cho nên, nếu tính so sánh HCV không thì đúng là ta đứng sau Myanmar, nhưng trong một đại hội, người ta còn tính tổng số huy chương đạt được. Ở khía cạnh đó, chúng ta đứng thứ 7-8 về tổng số huy chương. Tất nhiên không là gì nếu cứ như cách tính thông thường, rằng 2 HCV thì hơn vô số HCB.
Thực tế, 2 HCV và HCB chỉ chênh nhau một chút may mắn, tất nhiên là có những cái trình độ khác nhau hoàn toàn. Ví dụ như hôm nay, 2 VĐV chúng ta giành HCĐ, nhưng có 1 VĐV chấm đúng ra thì có thể vào chung kết. HCV thì khó, nhưng nếu vào được thì đẳng cấp nó đã khác. 2 HCĐ hôm nay chúng ta đạt được đánh dấu một bước tiến của quyền anh tại ASIAD.
Thế nhưng, chúng ta tiến mới chỉ là 1 chân thôi, tức là quyền anh nữ còn nam thì chưa phát triển. Nếu mà tập trung đầy đủ thì phải đào tạo cả nam, phải mời chuyên gia giỏi hơn hẳn châu Á. Đồng thời đào tạo cán bộ tham gia trọng tài, ban tổ chức hay AIBA (Liên đoàn quyền anh thế giới), thì khi đó chúng ta mới có những tiếng nói quyết định hơn.