Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thể thao Việt Nam sau Olympic 2016: Kỳ vọng và băn khoăn

Thể thao Việt Nam (TTVN) đã thành công khi giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic 2016. Nhưng để tái lập thành tích đó sau đây 4 năm, các VĐV sẽ gặp nhiều thách thức.

Ngành thể thao cam kết sẽ hỗ trợ Hoàng Xuân Vinh tốt nhất sau khi anh giành 2 huy chương tại Olympic 2016. Ảnh: Tiến Tuấn.

Kết thúc Olympic 2016, TTVN xếp hạng 48 chung cuộc với nhờ đoạt 1 HCV, 1 HCB (đều ở môn bắn súng). Đây là thành tích tốt nhất của TTVN ở sân chơi này từ trước đến nay. Thứ hạng của Việt Nam xếp trên một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Singapore, Philippines.

Những tín hiệu lạc quan

Cần nhìn nhận rằng, Olympic là đấu trường thể thao đẳng cấp nhất thế giới, quy tụ những VĐV hàng đầu của từng môn. Vì thế, thành tích đạt được không đến theo kiểu may rủi hay bất ngờ quá lớn. Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV 10 m súng ngắn hơi nam là bởi anh đã vươn đến đẳng cấp hàng đầu thế giới nội dung này vài năm nay.

Việc TTVN có đến 23 VĐV giành suất chính thức đến Rio 2016 là bước tiến đáng mừng. Đáng chú ý trong số này có đến 8 người từng dự Olympic 2012 gồm Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) và Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi). Điều đó cho thấy, TTVN có sự ổn định đáng kể ở một số môn.

Tỷ lệ 2 huy chương/23 VĐV không quá thấp so với một quốc gia vẫn còn chưa chú trọng đầu tư đến đấu trường lớn này và cũng không thua nhiều các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (6 huy chương/54 VĐV) hay Malaysia (5 huy chương/32 VĐV), Indonesia (3 huy chương/28 VĐV), thậm chí còn hơn Singapore (1 huy chương/25 VĐV), Philippines (1 huy chương/13 VĐV).

The thao Viet Nam sau Olympic 2016 anh 1
Biểu đồ thành tích của thể thao Việt Nam từ Olympic 2000 đến nay. Đồ họa: Trí Mai

Thể thao Đông Nam Á đại thắng tại Olympic 2016

Các nước Đông Nam Á đã trải qua kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử khi giành 5 HCV, 10 HCB, 3 HCĐ. Việt Nam và Singapore là 2 trong số 9 quốc gia lần đầu tiên có HCV Olympic.

Theo cựu Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh, ngoài chiến công của Hoàng Xuân Vinh, một số VĐV khác không có huy chương nhưng thành tích đã đem đến dấu hiệu tích cực. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là ví dụ tiêu biểu khi cô đã xếp hạng 9 vòng loại 400 m hỗn hợp với thời gian 4 phút 36 giây 85, phá sâu kỷ lục mà cô đã đoạt được ở giải bơi VĐTG 2015 tại Kazan, Nga (4 phút 38 giây 78).

“Mục tiêu của Ánh Viên không phải là đua tranh ở Olympic”, ông Minh khẳng định đó là điều tất cả ngành thể thao cùng xác định trước khi đến Rio. “Như vậy thì chúng ta cần kiên nhẫn, Ánh Viên cũng còn quỹ thời gian để cải thiện thành tích trong tương lai”.

Băn khoăn, thách thức

Tôi đánh giá thất bại của cử tạ là thất bại về chiến thuật, về tính toán.

Cựu Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh 

TTVN lần đầu có thành tích ở Olympic là tấm HCB của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân năm 2000. Nhưng từ đó đến nay, chưa có thêm VĐV nào của môn võ này giành được huy chương. Thậm chí ở Olympic 2016, taekwondo Việt Nam còn không vượt qua được vòng loại. Tương tự, cử tạ đã giành HCB năm 2008 nhưng 8 năm nay đều thất bại, kể cả khi chúng ta có những đô cử từng giành ngôi á quân thế giới.

Điều đó cho thấy rằng, TTVN không có một môn nào mạnh “bền vững”, duy trì sự ổn định, khả năng tranh chấp huy chương xuyên suốt các kỳ Thế vận hội. Thế nên, ngành thể thao Việt Nam có quyền tự hào với 2 tấm huy chương bắn súng mà Hoàng Xuân Vinh đã đoạt được tại Rio de Janeiro. Nhưng nếu không muốn lặp lại chu kỳ 8 năm mới có huy chương ở Olympic 2020, thiết nghĩ xạ thủ này cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

The thao Viet Nam sau Olympic 2016 anh 2
Việt Nam có những đô cử trình độ thế giới nhưng không giành được huy chương nào tại Olympic 2016. Ảnh: Getty Images

Thạch Kim Tuấn thừa nhận đánh mất phong độ tại Olympic

Sau khi về nước tối 22/8, VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn cho biết việc anh thất bại ở hạng cân 56 kg nam của Olympic 2016 là do đã đánh mất tinh thần, điểm rơi.

Nhìn sang các nước trong khu vực, họ cũng có những tiến bộ đáng khen ngợi và quan trọng hơn việc giành huy chương gần như trong dự tính, khi nhận được sự hỗ trợ hết mình. Kình ngư Josep Schooling đánh bại Michael Phelps để giành HCV 100 bướm nam là kết quả của việc đầu tư tốn kém, bền bỉ suốt hơn 8 năm qua. Ước tính gia đình của anh đã chi ra hơn 1,3 triệu SGD (hơn 22 tỷ đồng) để anh tập luyện tại những trung tâm hàng đầu của Mỹ.

Thái Lan vẫn cho thấy sự ổn định đáng kinh ngạc khi tiếp tục có huy chương ở 2 môn thế mạnh là cử tạ và taekwondo. Cả 6 huy chương mà họ đạt được ở Olympic đều nằm ở hai môn này. Malaysia không giành được huy chương vàng nào, nhưng thành tích ở môn cầu lông vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho môn đua xe đạp lòng chảo cũng phát huy hiệu quả với tấm HCĐ của Awang Azizulhasni.

Điều đó cho thấy, TTVN sẽ còn nhiều việc phải làm để không trắng tay ở Olympic 2020. Ngành thể thao đã cam kết sẽ đầu tư hết sức cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong thời gian tới. Ánh Viên tiếp tục tập huấn dài hạn ở Mỹ. Nhưng còn những môn khác, bài toán đầu tư như thế nào cho 4 năm tiếp theo vẫn chưa có gì cụ thể?

Olympic 2020 dự kiến khai mạc ngày 24/7 và bế mạc ngày 9/8, tại Tokyo (Nhật Bản). Tổng cộng 33 môn với 47 nội dung sẽ được đưa vào chương trình thi đấu để tranh chấp 324 bộ huy chương. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định đưa 5 môn mới vào Thế vận hội sau đây 4 năm gồm karate, bóng chày-bóng mềm, ván trượt, leo núi thể thao và lướt ván.



Nguyễn Đăng

Bạn có thể quan tâm