Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thể thao Việt Nam rất khó đuổi kịp Thái Lan'

Nhà báo Nguyễn Lưu - người đã gắn bó với thể thao nước nhà hơn 40 năm qua buồn bã chia sẻ như vậy khi nói về khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thể thao Thái Lan phát triển không ngừng. Họ sẽ không đứng lại để Việt Nam có cơ hội đuổi kịp. Ảnh: Anh Tuấn.

Chỉ còn vài tháng nữa, Olympic 2016 sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil). Thể thao Việt Nam đang cố gắng giành những tấm vé vớt, hoặc vé đặc cách cuối cùng để đủ chỉ tiêu về số lượng, từ 15 đến 17 vận động viên đạt chuẩn dự Olympic. Trong khi đó, Thái Lan đã bỏ mục tiêu đạt chuẩn dự Olympic từ lâu. Họ có tham vọng giành tối thiểu 2 tấm huy chương vàng ở Đại hội Thể thao lớn nhất thế giới 2016. Nhà báo Nguyễn Lưu, người từng đi nhiều, viết nhiều về thể thao có những chia sẻ với Zing.vn về sự vươn tầm thế giới mạnh mẽ của thể thao Thái Lan. 

- Dù vài tháng nữa Olympic Rio de Janeiro 2016 mới khởi tranh, nhưng ngay từ lúc này, Thái Lan đã thể hiện tham vọng mạnh mẽ để vươn tầm thế giới với mục tiêu 2 huy chương vàng. Ông nghĩ gì về tham vọng này so với mục tiêu khiêm tốn của thể thao Việt Nam?

- Trước hết, Thái Lan phát triển bền vững hơn chúng ta về rất nhiều mặt. Kinh tế, xã hội Thái Lan phát triển ổn định hơn. Tổng thu nhập bình quân đầu người, GDP của Thái Lan hơn hẳn chúng ta. Do vậy, họ có điều kiện để hội nhập và vươn tầm thế giới.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Thái Lan năm 1993 (thua 21 năm), Malaysia năm 1988, Indonesia năm 2008 và Philippines năm 2010.

Cụ thể, về lĩnh thể thao cũng vậy, họ đi trước chúng ta rất nhiều. Họ làm công tác xã hội hóa thể thao chuyên nghiệp và hiệu quả, thu về rất nhiều tiền để đầu tư phát triển vận động viên. Nhờ vậy, các môn thể thao đỉnh cao của Thái Lan đã bỏ xa Việt Nam để vươn tầm thế giới.

Còn ở nước ta, thể thao vẫn nhập nhèm giữa xã hội hóa và bao cấp. Nhiều môn vẫn sống bằng bầu sữa của nhà nước chứ không xã hội hóa một cách đúng nghĩa. Bên cạnh đó, lãnh đạo của ta đầu tư một số môn dàn trải, thiếu trọng điểm dẫn tới lãng phí và không thu được thành quả gì. Tôi lấy ví dụ rõ ràng nhất ở đây là bóng đá - môn xã hội hóa rùm beng nhất nhưng lại khiến người hâm mộ thất vọng nhất.  

Thể thao Thái Lan bỏ xa Việt Nam, vươn tầm thế giới

Ở kỳ Olympic 2016 sắp tới, Thái Lan hy vọng sẽ có 30 VĐV tham dự, phấn đấu giành ít nhất 2 HCV ở những môn thế mạnh như boxing, cử tạ, cầu lông hay taekwondo.

The thao Thai Lan bo xa Viet Nam anh 1

Thái Lan vượt xa Việt Nam ở các kỳ Đại hội thể thao khu vực và quốc tế. Đồ họa: Trí Mai


- Ngoài nguyên nhân khách quan về kinh tế, xã hội, ông có thể chia sẻ những bất cập nào khác khiến thể thao Việt Nam ngày càng tụt hậu so với Thái Lan? 

- Theo tôi có rất nhiều vấn đề, nhưng trước mắt là do bộ máy lãnh đạo. Người phụ trách cao nhất của thể thao Việt Nam đến từ một tổ chức ghép của bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du lịch. Trong bộ này có 5 ông thứ trưởng, nhưng không ai chuyên trách về thể thao. Về nguyên tắc, kiểu quản lý ghép ngành như vậy rất khó để phát triển. Phải có 1 thứ trưởng đứng đầu, toàn tâm toàn ý làm thể thao thì mới mong phát triển được. 

- Theo ông, ngay lúc này, thể thao Việt Nam cần phải thay đổi gì để đuổi kịp Thái Lan?

-  Nói thật chứ để theo kịp Thái Lan thì rất khó, phải có sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều ban, ngành. Phải thay đổi gốc rễ từ người lãnh đạo xuống dưới, phải bỏ cách làm "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào" như hiện tại. 

Nhưng quan trọng hơn, thể thao Thái Lan phát triển không ngừng, họ có đứng lại đâu mà cho Việt Nam có cơ hội đuổi kịp?

Tôi khẳng định tại Olympic 2016 sắp tới, Thái Lan sẽ bứt tốc mạnh mẽ và lại bỏ xa Việt Nam.

Tuy nhiên, SEA Games năm 2015 ở Singapore, chúng ta đã mạnh dạn bỏ mục tiêu giành vị trí xếp thứ 3 toàn đoàn về tổng số huy chương để hướng tới chỉ giành thành tích cao ở những môn trọng điểm dự Olympic. Kết quả là Việt Nam có 74 HCV, trong đó 85% là của các môn Olympic. Những thay đổi về mục tiêu này tuy muộn, nhưng muộn còn hơn không. 

Còn ở Olympic 2016 sắp tới, nói thật chúng ta cố gắng góp mặt đủ quân số từ 15-17 vận động viên là chính. Mục tiêu thì cố giành 1-2 huy chương ở cử tạ, bơi hoặc bắn súng. Huy chương màu nào cũng đáng quý!

The thao Thai Lan bo xa Viet Nam anh 2
Nhà báo Nguyễn Lưu (phải) chụp ảnh cùng cổ động viên Thái Lan tại SEA Games 2015. 


Tùng Lê

Bạn có thể quan tâm