Đội U23 Thái Lan dù không đạt được mục tiêu giành vé dự Olympic 2016 nhưng họ vẫn cho thấy đẳng cấp vượt trội ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Getty Images |
Theo thống kê, Thái Lan đã giành 7 HCV, 6 HCB và 11 HCĐ trong những lần tham dự Olympic (xếp hạng 56 về thành tích ở đấu trường này). Họ là một trong 2 quốc gia trong khu vực (bên cạnh Indonesia) giành được huy chương cao nhất ở sân chơi đỉnh cao của thế giới. Ở một số môn như cử tạ, boxing, taekwondo, cầu lông, futsal, bóng chuyền nữ… trình độ của Thái Lan đã vượt xa so với một số quốc gia ở Đông Nam Á.
Cường quốc thể thao
Thể thao là một trong những niềm tự hào của Thái Lan so với phần còn lại của khu vực. Ở đấu trường SEA Games, họ liên tục thống trị bảng xếp hạng khi giành tổng cộng 5.661 huy chương (2.089 HCV, 1.736 HCB và 1.736 HCĐ) trong 28 lần tham dự, bỏ xa đoàn đứng thứ 2 Indonesia đến gần 800 huy chương.
Bước ra châu lục, Thái Lan đoạt 121 HCV trong số 17 lần tham dự Á vận hội (ASIAD). Kể từ ASIAD năm 1962 đến nay, quốc gia này luôn có tên trên bảng vàng huy chương. Ở đấu trường lớn nhất thế giới Olympic, thành tích của họ cũng bỏ xa các quốc gia khác trong khu vực. Các CĐV của Thái Lan đều đặn tham dự từ năm 1952 (trừ Olympic 1980 không góp mặt), liên tục gặt hái HCV ở 4 kỳ Thế vận hội liên tiếp từ 1996 đến 2008.
Thái Lan vượt xa Việt Nam ở các kỳ Đại hội thể thao khu vực và quốc tế. Đồ họa: Trí Mai |
Cử tạ và boxing là hai môn mạnh nhất của người Thái, đủ sức cạnh tranh song phẳng với các quốc gia mạnh trên thế giới. 21/24 huy chương của họ ở đấu trường Olympic nằm ở hai môn này. Olympic 2004 đến 2008 là giai đoạn hoàng kim của Thái Lan khi các tay đấm và đô cử của họ giành 5 HCV rất thuyết phục.
Một số môn khác, người Thái đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ. Từ Olympic 2004 đến nay, taekwondo luôn mang về huy chương cho Thái Lan nhưng các võ sĩ của họ chưa thể lên bục cao nhất. Với việc sở hữu một loạt các VĐV xuất sắc, họ hy vọng sẽ đổi màu huy chương ở Rio de Janeiro sắp tới.
Ở môn cầu lông nữ, Thái Lan đang sở hữu “báu vật” Ratchanok Itanon. Cô là người đã phá vỡ thế thống trị của các tay vợt Trung Quốc khi đoạt danh hiệu VĐTG năm 2013, rồi nối tiếp thành công bằng chức vô địch châu Á sau đó 2 năm. Cô là sản phẩm ưu tú của học viện cầu lông SCG ở thủ đô Bangkok. Mục tiêu của tay vợt này là giành HCV ở Olympic 2016.
Với những môn thể thao tập thể, thành tích của các đội tuyển Thái rất đáng nể. Họ dẫn đầu châu lục về môn cầu mây, trong đó có việc thâu tóm toàn bộ 4 HCV tại ASIAD 2014. Một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam từng đánh bại Thái Lan nhưng chỉ có tính nhất thời.
Ratchanok phá vỡ sự thống trị của các tay vợt cầu lông nữ Trung Quốc suốt một thời gian dài bằng chức vô địch đơn nữ năm 2013. Ảnh: Bangkok Post |
Tuyển bóng chuyền nữ của họ đã tiệm cận trình độ thế giới. Ở cấp độ châu lục, đội tuyển xứ chùa vàng đã 2 lần vô địch châu Á, 1 lần giành Cup châu Á. Còn ở SEA Games, các tay đập của họ đã liên tục giành HCV từ năm 1989 đến nay. Cuối năm ngoái, CLB nữ Bangkok Glass gây tiếng vang khi đoạt danh hiệu châu lục, qua đó giành quyền dự giải VĐTG các CLB 2016.
Cất cánh nhờ tiền
Cây bút Rey Bancod của tờ Manila Bulletin (Philippines) khi lý giải thành công của thể thao Thái Lan đã chỉ ra 5 nguyên nhân. Một trong số đó là bởi họ có rất nhiều tiền. Theo thống kê mỗi năm, Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) có ngân sách hoạt động lên đến 4 tỷ baht (hơn 1,1 tỷ USD). Số tiền rất lớn khiến quốc gia này luôn cử số lượng VĐV rất đông tham dự các đại hội.
Tại SEA Games 2015, đoàn thể thao của họ có đến 744 VĐV tham gia tranh tài, giành được 95 HCV, 83 HCB và 68 HCĐ. “Chúng tôi luôn mang nhiều VĐV để họ phô bày khả năng của mình. Có thể họ không giành huy chương ở lần này nhưng sẽ là ứng cử viên ở lần tiếp theo”, Thana Chaiprasit – Trưởng đoàn thể thao Thái Lan đúc kết.
Tại môn thể thao “vua”, đội tuyển nữ Thái Lan đã giành quyền dự World Cup 2015. ĐTQG nam đang tràn trề cơ hội góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018. Dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak, bóng đá Thái Lan liên tục gây tiếng vang ở châu lục, đoạt HCV SEA Games cũng như vô địch AFF Cup 2014, vào bán kết ASIAD 2014.
Còn với môn bóng đá trong nhà (futsal), đội quân xứ “chùa vàng” là một trong 3 quốc gia có trình độ phát triển nhất châu lục, bên cạnh Iran và Nhật Bản. Họ xây dựng một cơ cấu ổn định, chuyên nghiệp và cơ sở vật chất rất hiện đại. Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đăng cai World Cup futsal vào năm 2012.
Đội tuyển cầu mây Thái Lan được thưởng hơn 44 triệu baht (hơn 24 tỷ đồng) nhờ ẵm trọn bộ 4 HCV ở ASIAD 2014. Ảnh: Bangkok Post |
Chỉ riêng ở giải đấu "hội làng" ở Singapore, SAT đã chi ra hơn 300 triệu baht (hơn 180 tỷ đồng) để đào tạo VĐV. Nhờ có hầu bao lớn, tiền thưởng cho VĐV Thái Lan khá cao. Ở SEA Games 28, mức thưởng dành cho VĐV đoạt HCV, HCB và HCĐ lần lượt là 200.000 baht (hơn 180 triệu đồng), 100.000 baht và 50.000 baht chưa kể các khoản khác.
Tại đấu trường ASIAD, đãi ngộ cho VĐV gấp hàng chục lần. Theo kế hoạch của Quỹ phát triển quốc gia Thái Lan, người chiến thắng ở sân chơi này sẽ nhận số tiền 5 triệu baht (hơn 3 tỷ đồng), HCB nhận 500.000 baht và HCĐ đút túi 200.000 baht. Ở kỳ Á vận hội Incheon 2014, các VĐV Thái Lan chia nhau số tiền thưởng gần 86 triệu baht cho thành tích 12 HCV, 7 HCB và 28 HCĐ, theo Bangkok Post.
Cuối năm 2015 khi Bangkok xảy ra vụ đánh bom ở ngôi đền Erawan làm 20 người chết, 120 người bị thương, chính quyền Thái Lan đã ngay lập tức "bật đèn xanh" cho Hiệp hội quần vợt mời 2 ngôi sao Djokovic và Rafael Nadal sang đánh. Trận đấu giữa họ chỉ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ nhưng hai VĐV nhận được số tiền lên đến 4,1 triệu USD. Đây là một hoạt động để củng cố niềm tin cho mọi người, đặc biệt là khách du lịch rằng Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn.
Nhưng tiền không chỉ dành riêng cho việc đào tạo VĐV mà Thái Lan còn dùng nó để xây dựng cơ sở vật chật hiện đại. Ông Thana tiết lộ, quốc gia này có đến 8 cơ sở đào tạo VĐV ngoài Bangkok. Trong số này, có nơi chỉ dành riêng để bồi dưỡng nhân tài cho một môn chuyên biệt, có nơi là địa điểm ăn ở cho 2-3 môn khác. Phần lớn các VĐV của Thái Lan rèn luyện ở trong nước, chỉ có một số ít ra nước ngoài tập huấn ngắn hạn.
Những chiến công của thể thao Thái Lan thời gian qua cũng gắn liền với sự lớn mạnh, tài chính vững vàng của các liên đoàn, bộ môn. Ở môn thể thao vua, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) kiếm được hơn 6.500 tỷ đồng trong 8 năm qua. Nhờ đó, họ hỗ trợ hết mình cho các đội tuyển để thâu tóm danh hiệu từ các cấp độ ĐTQG, U23, U19, U16, bóng đá nữ và cả… futsal.
Futsal Thái Lan (áo xanh) có trình độ vượt xa Việt Nam. Họ đã vài lần dự World Cup, trong khi Việt Nam mới có lần đầu tiên. |
Khi đi thi đấu, các VĐV Thái Lan luôn được chăm sóc đến tận răng. Chẳng hạn như ở ASIAD 2014, đoàn thể thao Thái Lan đã chi phần lớn số tiền trong kinh phí 100 triệu baht (hơn 60 tỷ đồng) để thuê khách sạn Golden Incheon làm khu chăm sóc y tế và bữa ăn cho các VĐV, đảm bảo rằng họ có sự chuẩn bị tốt nhất khi lên sàn đấu. Còn Liên đoàn cầu lông Thái Lan (BAT) lại liên kết rất tốt với các nhà tài trợ. Mỗi năm họ tổ chức hơn 60 giải, trong đó có giải ở cấp độ Grand Prix Gold để thúc đẩy phong trào với trên 1 triệu người chơi trên cả nước. Họ có đối tác lâu dài là tập đoàn SCG. Mỗi năm, SCG rót không dưới 14 tỷ đồng cho học viện cầu lông tại Bangkok - nơi được xây dựng từ năm 2007 với kinh phí 150 tỷ đồng. Đây là nơi ăn tập của 40 VĐV trẻ tài năng của cầu lông Thái Lan.
Nhờ những bước tiến vững chắc, thể thao Thái Lan luôn được các nhà tài trợ tìm đến. Grand Sport – nhà bán lẻ thiết bị thể thao hàng đầu của quốc gia này đã gắn bó với Ủy ban Olympic Thái Lan từ năm 2005. Tháng 8/2013, họ đã gia hạn hợp đồng thêm 4 năm với tổng giá trị trang phục và tiền tài trợ lên đến gần 4,7 triệu USD.
Trên hết thể thao là đòn bẩy để phát triển du lịch, góp phần không nhỏ để phát triển kinh tế. Cuối năm 2014, quan chức xứ chùa vàng đã tổ chức một hội nghị kéo dài 4 ngày tại Bangkok với sự tham dự của khoảng 1.000 thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để giới thiệu quốc gia này như một ví dụ điển hình trong việc liên kết giữa thể thao và du lịch.
SAT và Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã phát động hẳn một chiến dịch trên toàn cầu với khẩu hiệu “Discover Thainess” (Khám phá chất Thái). Việc các VĐV đoạt nhiều thành tích quốc tế, tổ chức nhiều sự kiện quốc tế là cách quảng bá hình ảnh tốt nhất cho hình ảnh của đất nước. Trong tương lai, Thái Lan có nhiều dự định táo bạo khác như đăng cai World Cup bóng đá nữ 2023, tổ chức Olympic 2024 hoặc 2028.