Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thể thao Việt Nam hãy mạnh dạn bước từ 'đường làng' ra xa lộ

'Chúng ta học ở Triều Tiên sự quyết tâm và cháy hết mình, ở Malaysia, Indonesia sự phát triển chắc chắn cho sân chơi châu lục, thấy cách người Thái đào tạo trẻ' - Bảo Võ chia sẻ.

Hẳn nhiều người hâm mộ thể thao Việt Nam đã quá quen với cái gọi là “ao làng” SEA Games mà chúng ta cứ mải miết loanh quanh và kiếm tìm cho mình một sự phát triển vươn xa. ASIAD Incheon 2014 đã kết thúc nhưng dư âm mà nó để lại đã và đang gợi nhắc rất nhiều bài học trong lộ trình xa xôi vươn tầm ra biển lớn. Với 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ, đoàn thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 21 ở kỳ Á vận hội lần này, nhưng chúng ta hãy khoan bàn về xếp hạng và vị thứ.

Đã 25 năm trôi qua kể từ ngày thể thao nước nhà trở lại hội nhập với đấu trường SEAG Games, nhưng dường như chúng ta vẫn quen với việc bước đi trên con đường làng quen thuộc: ít “xe cộ”, ít cạnh tranh, và sự khác biệt lớn nhất là có những “lệ làng” riêng. Thế giới phẳng đang hội nhập, chúng ta ngỡ ngàng bước ra đường lớn cao tốc với không ít rụt rè khi nhìn thấy cách thế giới đầu tư và khi thấy mình còn quá non trẻ.

vv

Dương Thúy Vi  mang về tấm HCV duy nhất tại ASIAD 17 cho TTVN.

Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình ở sân chơi SEA Games rất lâu rồi. Kể từ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 tổ chức trên sân nhà, chúng ta liên tục nằm trong top 3 với thành tích rất tốt. Tuy nhiên, khi chuyển mình ra ASIAD hay Olympic, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam lại khá khiêm tốn, thậm chí còn đứng thấp hơn những nước thường thua chúng ta ở SEA Games. Chúng ta đã thiếu hụt một khoảng đệm, một cầu nối cần thiết giữa hai con đường để làm quen, để bước đi từ từ trên con đường mới. 

Dường như Việt Nam đang đầu tư cho bề rộng mà bỏ quên mất bề sâu. Chúng ta có thể “hái” được rất nhiều vàng ở sân chơi làng nhưng những thành tích ấy lại chưa đủ tầm để vươn ra châu lục.

Môn Vật ra ngõ đụng phải “ông lớn” Mông Cổ; Thái Lan và Myanmar đã thống trị hoàn toàn môn cầu mây ở ASIAD; Bắn súng chứng kiến sự vô đối của Trung Quốc. Điền kinh, bơi lội chúng ta giành được nhiều huy chương vàng ở ASIAD đấy, nhưng so với châu Á, thành tích của những tấm huy chương ấy còn khá khiêm tốn. 

Trong khi đó, Singapore có J.Schooling đã đạt đẳng cấp ở tầm châu lục và thế giới; Philippines có vàng ở đua xe đạp. Những môn võ vốn là mỏ vàng của Việt Nam ở SEA Games thì ra đến sân chơi lớn này cũng lép vế và chỉ còn lại 1 HCV của môn Wushu (Campuchia, Thailand, Malaysia cũng giành được HCV ở môn võ như Taekwondo, Karate). Có thể thấy, thành tích của VĐV Việt Nam dù khá tốt nhưng chưa được nâng tầm để đủ sức cạnh tranh vàng ở châu lục mà chủ yếu chỉ mới tiệm cận bạc và đồng.

Chính trưởng đoàn Olympic Việt Nam tại ASIAD 17, ông Lâm Quang Thành đã thừa nhận: “Làm thế nào để biến số lượng thành chất lượng, tức là biến HCB, HCĐ thành HCV thì cần một quá trình mà sắp tới cần phải có những định hướng rõ ràng hơn”. 

bb

Ánh Viên (giữa) cũng đã thi đấu khá thành công khi là VĐV bơi lội Việt Nam đầu tiên có huy chương tại ASIAD

Một vấn đề mà những người tâm huyết với thể thao Việt Nam đang đau đầu đi tìm lời giải đáp, là việc phát triển những môn trọng điểm Olympic. Các môn cơ bản của Olympic đã phát triển trên thế giới rất lâu, vì vậy chúng mang tính cạnh tranh cực kì quyết liệt. Không thể phủ nhận những thành công, những trái ngọt đầu tiên mà bước đầu chúng ta đã có được của bơi lội, rowing, đua xe đạp, đấu kiếm, TDDC,… nhờ sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua. Nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì cần lắm một sự định hướng đúng đắn từ những người nâng bước cho thể thao Việt Nam.

Chúng ta học được ở CHDCND Triều Tiên sự quyết tâm và cháy hết mình của VĐV, học ở Malaysia, Indonesia sự phát triển chắc chắn cho sân chơi châu lục, thấy cách người Thái đào tạo trẻ một cách chuyên sâu. Việt Nam không thiếu những con người tài năng và nghị lực, nhưng điều quan trọng hơn tất thảy, là làm sao cho họ được phát huy hết tất cả khả năng của mình và đem về vinh quang cho Tổ quốc.

Thể thao Việt Nam cần phải mạnh dạn bước ra khỏi cổng làng để chứng kiến những công trình đồ sộ của thế giới dựng xây trên những cao tốc vươn xa, để thấy chúng ta đang ở đâu và cần gì cho thế hệ tương lai. Để đất nước ngày mai được tự hào ngẩng cao đầu nhìn quốc kì tung bay trên đấu trường thế giới.

Độc giả Võ Bảo

Bạn có thể quan tâm