Hiện tượng có vẻ bất thường song thực tế lại quá dễ hiểu, bởi năm 2014 chỉ có đấu trường chính là ASIAD ở một đẳng cấp hoàn toàn khác với “hội làng” SEA Games của năm 2013 nơi Việt Nam có thể kiếm huy chương dễ như “lấy đồ trong túi”.
Phan Thị Hà Thanh là một trong những VĐV được thưởng nhiều nhất với thành tích xuất sắc tại các đấu trường ASIAD và Cúp thế giới. Ảnh: Getty Images. |
Năm trước, ngành thể thao đã phải đau đầu và cố gắng hết sức mới kịp lo được khoản thưởng cho thành tích SEA Games 27 lên tới 19 tỷ đồng trước Tết Nguyên đán. Cả làng vui vì ngoài những tấm huy chương, có tới gần 400 tuyển thủ nhận thưởng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có tới cả vài chục gương mặt xuất lĩnh trên 100 triệu đồng mà đứng đầu là kình ngư Ánh Viên với 235 triệu đồng. Những người ít nhất, dù chỉ giành 1 HCĐ cũng có 20 - 25 triệu đồng đủ để lo cho bản thân và gia đình một cái Tết tươm tất.
Thế nhưng đến năm nay, cả làng lại đang mếu vì cả diện tuyển thủ được thưởng lẫn tổng số tiền thưởng đều tụt giảm thê thảm. Từ gần 400 cái tên chỉ còn chưa đầy 100 người có thưởng - giảm tới 4 lần và từ tổng tiền thưởng 19 tỷ còn đúng 3,1 tỷ đồng - giảm 6 lần. Tất cả cũng chỉ bởi khác với “hội làng” SEA Games, 2014 là năm ASIAD – đấu trường đỉnh cao châu lục mà Việt Nam đã chứng tỏ sự hụt hơi nặng nề khi chỉ đoạt 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ.
Ánh Viên cũng có một năm đầy thành công. Ảnh: Getty Images. |
Số người được thưởng và tổng số tiền thưởng kém hẳn dù năm nay ngành thể thao vẫn duy trì một lực lượng tuyển thủ rất lớn của 30 môn tập huấn chuẩn bị cho ASIAD. Bởi thế hầu hết tuyển thủ của các môn đều chỉ có tiền công tập luyện chỉ đủ ăn chứ không có thưởng như SEA Games - mà với dân thể thao vẫn luôn là khoản để họ hy vọng có chút tích lũy hay lo được một số việc cho bản thân và gia đình.
Nhìn nhận một cách thiết thực, cả TTVN phải tự trách mình, bởi mức thưởng cho ASIAD cao hơn rất nhiều SEA Games song do trình độ yếu kém nên không thể giành được nhiều huy chương, đặc biệt Vàng hay Bạc để nhận khoản thưởng xứng đáng theo quy định của nhà nước.
Vẫn có một số trường hợp lĩnh thưởng tới gần 1 tỷ hay vài trăm nhiều nhờ thành tích ở các giải đấu thế giới, châu lục song số này chỉ đếm trên đầu ngon tay.
Có lẽ nghịch lý tiền thưởng cao vút năm lẻ khi có SEA Games và tụt thê thảm năm chẵm gắn với ASIAD và Olympic của TTVN sẽ còn kéo dài. Đơn giản vì dường như cả ngành thể thao chỉ ưa thích và ưu tiên đặc biệt cho “hội làng” SEA Games, nơi một số lượng khổng lồ tuyển thủ của hàng loạt môn được dự tranh, chuẩn bị ngắn hạn, dễ dàng giành thành tích và có tiền thưởng.
Không phải ngẫu nhiên, ngay từ bây giờ, nhiều người chỉ mong năm ASIAD 2014 qua mau và nhanh đến năm SEA Games 2015, cả làng sẽ lại vui như… Tết.