250 triệu người chơi, đó là ước tính của hãng tin Reuters khi tiến hành khảo sát eSports. Con số này chắc chắn cao gấp nhiều lần tổng số VĐV Olympic của các Liên đoàn trên thế giới kết hợp.
Vị thế của eSports đang cám dỗ IOC. Giá trị thương mại của thị trường này vào khoảng 1 tỷ USD/năm và còn tăng vọt nhiều nữa. Ở các giải đấu lớn của eSports bắt đầu xuất hiện nhiều gói tài trợ "khủng", thu hút hàng triệu người xem.
Thể thao điện tử có sức hút rất lớn với fan. |
Trả lời hãng tin Reuters, CEO Bracken Darrell của Logitech, công ty chuyên sản xuất máy tính và cung cấp thiết bị cho trò chơi điện tử, mạnh mẽ tuyên bố: "ESports sẽ trở thành một thể thao lớn nhất hành tinh trong 20 năm nữa".
Trong 4 năm qua, lợi nhuận Logitech tăng từ 25-35%, theo ông Darrell. Công ty này được xem như người bạn chiến lược của game thủ. "Những gì diễn ra làm chúng tôi và nhiều người khác rất bất ngờ. ESports hãy còn phát triển mạnh mẽ và mang tầm vóc lớn hơn cả bóng đá", CEO Darrell trả lời Reuters.
Những thống kê không biết nói dối. Sự kiện chung kết giải League of Legends thế giới diễn ra ở sân Tổ Chim (Bắc Kinh) gần đây thu hút 60 triệu người xem trực tuyến. Người đứng đầu nhiều môn thể thao truyền thống bắt đầu để mắt đến eSports, hy vọng lấy đó phát triển thị trường.
Tháng trước, IOC công nhận eSports là môn thể thao chính thống. Động thái này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của eSports, ngoài ra trở thành tiền đề cho thể thao điện tử thắp lên hy vọng góp mặt ở ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Rất nhiều game thủ tham gia vào các sự kiện eSports thế giới. |
Theo Reuters, nhiều môn thể thao của Olympic đang trở nên lỗi thời, không còn thu hút nhiều khán giả nữa. Vì vậy, giờ là lúc IOC phải cân nhắc tìm kiếm những làn gió mới. Trong đó eSports nổi lên như ứng viên tiềm năng.
Trên thế giới trong năm 2017 có khoảng 385,5 triệu fan của eSports, theo nghiên cứu từ công ty Newzoo. Đặt trường hợp eSports xuất hiện ở Olympic, con số vừa nêu còn tăng vọt đáng kể. Bắt tay với eSports, IOC hứa hẹn thu về nhiều nguồn thu hấp dẫn.
Bằng chứng ở giải Dota 2 diễn ra tại Seattle năm 2017 ở Mỹ, số tiền thưởng của giải lên tới 25 triệu USD. Ngày càng nhiều nhà tài trợ cũng tìm đến với eSports như hệ quả tất yếu. Một cái bắt tay hợp tác giữa IOC và eSports được Reuters đánh giá "song phương có lợi".
Theo Giám đốc Jan Pommer của công ty tiên phong trong việc tổ chức những giải đấu eSports tại Mỹ, thể thao điện tử mang tính cạnh tranh và đặc tính hệt với những bộ môn truyền thống.
Nhiều đơn vị tài trợ bắt đầu đổ tiền "khủng" vào các giải đấu eSports. |
"Các game thủ phải tập luyện, giữ gìn sức khỏe, chăm chú vào chế độ dinh dưỡng và tâm lý hệt những VĐV thể thao truyền thống", ông Jan Pommer nói.
Những năm gần đây, thể thao điện tử thu hút nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, như ngôi sao bóng rổ Jonas Jerebko, sở hữu đội eSports Renegades. Nói với báo chí, VĐV bóng rổ của giải nhà nghề Mỹ NBA cho biết nhận thấy rất nhiều tiềm năng từ sự phát triển của eSports.
"Esports hãy còn tăng trưởng mạnh mẽ. Trong bối cảnh nhiều môn thể thao truyền thống đang mất đi các VĐV, IOC thật sự cần tìm bộ môn mới để kéo khán giả tới sân", Jonas Jerebko cho biết.
Nói về tương lai và cơ hội góp mặt ở Olympic, ông Pommer đưa ra quan điểm thể thao điện tử không nhất thiết giữ vai trò thiết yếu tại đại hội thể thao lớn nhất thế giới, tuy nhiên hy vọng thế giới sẽ nhìn nhận Esports có thể trở thành một phần trong đại gia đình Thế vận hội.
"Chúng tôi có thể xây dựng những cầu nối. Esports và ngành công nghiệp thể thao điện tử không có bất cứ yêu cầu gì những môn thể thao truyền thống. Chúng tôi chỉ muốn một cuộc đối thoại", ông Poomer cho biết.